"Nếu Trung Quốc tìm cách giúp Nga né các lệnh trừng phạt hoặc bằng cách nào đó chia nhỏ các lệnh trừng phạt, họ sẽ bị tổn hại", cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet cho biết hôm 3/3, đề cập tới các lệnh trừng phạt mà phương Tây đã áp đặt với Nga, song không nêu thêm chi tiết.
Chollet nói thêm các quốc gia phương Tây đang tham gia áp lệnh trừng phạt với Nga chiếm khoảng 50% nền kinh tế toàn cầu, trong khi Trung Quốc chiếm khoảng 15%.
"Bất cứ quốc gia nào cố gắng né tránh các lệnh trừng phạt này cũng sẽ phải đối diện với hậu quả từ chính hành động của mình. Tôi không muốn nói rõ những hậu quả đó là gì", Chollet nói thêm.
Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh liên tục áp lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, Bắc Kinh tuyên bố không ủng hộ hoặc không tham gia áp đặt bất cứ biện pháp trừng phạt nào nhắm vào Moskva.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối tất cả biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp và tin rằng lệnh trừng phạt không bao giờ là phương pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề", phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ cho biết hôm 3/3.
Mỹ cùng các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng như Anh, Canada, Nhật Bản và một số nước khác đã áp lệnh loạt lệnh trừng phạt Nga, như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT, phong tỏa tài sản tại Mỹ của Tổng thống Nga và cấm máy bay Nga vào không phận.
Các lệnh trừng phạt khiến Nga đối mặt cuộc khủng hoảng tài chính khi giá trị đồng ruble lao dốc xuống mức thấp kỷ lục so với USD. Điện Kremlin tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ không bao giờ khiến Nga thay đổi lập trường về vấn đề Ukraine.
Một số nước cũng đã lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho rằng các biện pháp trừng phạt này là "điên rồ" và cần phải được chấm dứt. Mexico và Brazil cũng từ chối áp lệnh trừng phạt kinh tế với Nga.
Giới chuyên gia cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể ảnh hưởng tới hàng loạt quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là những nước vốn phụ thuộc nhiều vào lúa mỳ hay khí đốt của Ukraine và Nga. Nga là một trong những nhà xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới và Ukraine là quốc gia trung chuyển khí đốt chính của Nga.
Nga - Ukraine đã đã trải qua 8 ngày giao tranh. Lực lượng Nga đã kiểm soát được thành phố lớn Kherson ở miền nam Ukraine và đang bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này.
Phái đoàn Nga và Ukraine hôm 3/3 tiếp tục vòng đàm phán thứ hai tại Belarus. Hai bên nhất trí lập hành lang nhân đạo sơ tán dân thường tại các khu vực bị bao vây, nhưng không đạt được thỏa thuận ngừng bắn nào.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)