"Độc ác, tàn nhẫn, bạo lực, Mara Salvatrucha là một trong những băng đảng nguy hiểm nhất thế giới đang lan rộng khắp các quốc gia và đã tới Australia" là cảnh báo của tờ News hôm qua.
Nổi tiếng với tên gọi MS13, băng đảng này có mặt tại 42 bang nước Mỹ và các quốc gia như Mexico, Guatemala, Honduras, El Salvador, Puerto Rico, Tây Ban Nha, Canada và giờ là Australia.
Kể từ năm 2015, biểu tượng MS13 của băng đảng này bắt đầu xuất hiện ở Sydney, làm dấy lên lo ngại nhóm này đang mở rộng địa bàn sang vùng đất mới.
Nhờ danh tiếng bạo lực mà MS13 được Sinaloa, băng đảng ma túy Mexico, một trong những nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất thế giới, rất tín nhiệm và thường xuyên thuê thực hiện các nhiệm vụ trả thù, buôn bán ma túy, buôn người, hiếp dâm.
MS13 có nguồn gốc từ El Salvador, nơi thủ đô San Salvador được gọi là thủ đô của các vụ giết người trên thế giới. Băng nhóm này phát triển tại Los Angeles, Mỹ, từ những năm 1980 và dần lan rộng ra vùng ngoại ô.
Khi mới thành lập, thành viên chủ yếu của MS13 là người di cư gốc El Salvador. Nhóm này tranh giành địa bàn với M18, một băng đảng người Mỹ gốc Mexico. Trong cuộc tranh giành này, MS13 nhân rộng và trở thành một trong những băng nhóm có tổ chức nhất và bạo lực nhất ở Mỹ.
Để mở rộng, người tị nạn từ các nước Trung Mỹ khác cũng được chiêu mộ làm thành viên. MS13 tuyển dụng cả trẻ 8 tuổi, với số lượng thành viên hơn 100.000 người. Băng nhóm này thường trừng phạt kẻ phản bội bằng cái chết hoặc chặt đứt tay chân.
Trừng phạt kẻ phản bội
Năm 1999, Brenda Paz, 13 tuổi, người gốc Honduras di cư tới Los Angeles, gia nhập một nhánh địa phương của MS13. Paz bỏ nhà tới Virginia năm 2002 cùng bạn trai và bị bắt vì tội ăn cắp xe.
Denis Rivera, bạn trai của Paz là thành viên cao cấp của MS13 tại Bắc Virginia. Hắn là nghi can trong vụ giết và chặt đầu một thiếu niên có tên Joaquin Diaz. Paz lúc đó 17 tuổi, đồng ý cung cấp tin nội bộ của nhóm để được bảo vệ trong chương trình bảo vệ nhân chứng liên bang.
Trong hàng loạt video ghi hình thẩm vấn, Paz mô tả các tội ác của MS13. Tuy nhiên, Paz cảm thấy bị cô lập sau khi tham gia chương trình bảo vệ nhân chứng và bị dụ dỗ quay lại băng đảng. Khi đó, người bạn trai đang bị giam giữ trong tù chờ phiên tòa xử tội giết Diaz, đã mưu tính kế hoạch giết chết Paz.
Tháng 7/2003, một ngư dân tìm thấy thi thể đẫm máu của một thiếu nữ cạnh bờ sông Shenandoah, Virginia. Đó là Paz, đang mang thai 17 tuần và bị đâm 16 nhát.
Mở rộng địa bàn
Tại Mỹ, MS13 hoành hành tại Los Angeles, San Francisco, thủ đô Washington, New York, New Jersey và Houston. Băng đảng này trở thành mối đe dọa ở Bắc Mỹ, khiến chính quyền Mỹ lo ngại và bắt đầu trục xuất các thành viên về Trung Mỹ.
Việc trục xuất đã phản hiệu quả, khi những tội phạm bị trục xuất quay lại El Salvador và tuyển dụng thành viên mới, sau đó quay về Mỹ theo các tuyến đường di trú bất hợp pháp, làm bùng nổ làn sóng tội phạm ở các vùng ngoại ô Mỹ, khiến Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) phải thành lập một lực lược đặc nhiệm trấn áp băng đảng này.
Tuy nhiên, băng đảng vẫn tiếp tục phát triển. Tháng 10/2012, Bộ tài chính Mỹ công bố danh sách đóng băng các tài khoản thuộc sở hữu của MS13 và liệt kê băng đảng này là "tổ chức tội phạm xuyên quốc gia".
Ở quê hương El Salvador, quyền lực của MS13 bao trùm lên cả nhà tù, khi phạm nhân là thành viên MS13 có buồng giam riêng, giám thị cũng e dè không dám bước vào. Penas Ciudad Barrios là nhà tù dành riêng cho thành viên MS13.
Trại giam này có sức chứa 800 người nhưng giam giữ tới 2.500 người. Nơi đây trở thành một "cộng đồng" thu nhỏ của MS13, với cả bệnh viện và tiệm bánh do thành viên điều hành.
Năm 2014, một thập kỷ sau khi chính phủ El Salvador quyết định chia tách địa bàn hoạt động của MS13 và Barrio 18, một băng tội phạm khác trong nước, MS13 càng mạnh hơn và quyết định trên bị coi là một thất bại.
Quyết định này được đề ra năm 2004 sau khi 32 thành viên của hai băng đảng bị giết chết và chặt đầu trong vụ thanh toán lẫn nhau trong tù. Đây được coi là vụ thảm sát tàn bạo nhất lịch sử nhà tù ở El Salvador.
"Khi ra quyết định chia tách phạm nhân buồng giam, chúng tôi đã làm chúng mạnh hơn", Bộ trưởng An ninh El Salvador Benito Lara thừa nhận.
Thỏa thuận đình chiến năm 2012 giữa hai băng nhóm bị phá vỡ năm 2014. Kể từ đó, bạo lực trong nước leo thang. El Salvador là một trong những quốc gia bạo lực nhất thế giới, theo Liên Hợp Quốc. Năm 2012, tỷ lệ giết người của quốc gia này là 41,2 vụ trên 100.000 dân. Năm 2015, tỷ lệ này là 91 vụ trên 100.000 người.
Hồng Hạnh