Khi tranh cử thủ tướng Malaysia năm 2018, ông Mahathir Bin Mohamad chỉ trích khoản đầu tư trị giá 30 tỷ USD của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng của Malaysia, gọi đây là "mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia". Ông nói rằng thủ tướng vào thời điểm đó Najib Razak đã "bán Malaysia cho Trung Quốc".
Trong 9 năm cầm quyền, Najib đã bơm khoảng 100 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt, cảng, năng lượng, đường bộ và bất động sản. Ông khẳng định các dự án này là cần thiết để biến Malaysia từ một quốc gia có thu nhập trung bình thành một cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á. Khoảng 1/3 số tiền đến từ Trung Quốc. Dự án tiêu biểu là Đường sắt bờ Đông (ECRL) chở khách và vận chuyển hàng hóa dài 688 km từ cảng của Kuala Lumpur đến Pengkalan.
Dự án 60 tỷ ringgit này (14 tỷ USD) là một trong những dự án lớn nhất trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Nó khiến nhiều tổ chức môi trường Malaysia lo lắng về những cánh rừng bị phá để xây dựng.
Vài tuần sau khi đắc cử hồi giữa năm ngoái, Mahathir hủy bỏ dự án đường ống dẫn dầu dài 600 km dọc bờ biển phía tây Malaysia và ống dẫn khí đốt dài 662 km trên đảo Borneo do Trung Quốc đầu tư, đồng thời đình chỉ ECRL. Ông Mahathir cũng đe dọa sẽ dừng nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn hơn và ngăn công dân Trung Quốc mua căn hộ trong một dự án bất động sản gần Singapore. Ông mở một cuộc điều tra hình sự và truy tố người tiền nhiệm Najib Razak.
Chính phủ Malaysia hôm 15/7 tịch thu 243,5 triệu USD từ tài khoản ngân hàng của Công ty Kỹ thuật Đường ống Dầu khí (CPP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, đơn vị thi công hai mạng lưới ống dẫn dầu và khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD cho Malaysia. "Tôi hiểu rằng 80% chi phí đã được thanh toán, nhưng mới chỉ có 13% công việc được hoàn thành. Chính phủ Malaysia có quyền thu lại số tiền này do dự án đã bị chấm dứt", ông Mahathir nói.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 5, Alex Holmes, chuyên gia kinh tế châu Á ở công ty Capital Economics, cho rằng việc cân nhắc lại các dự án lớn sẽ giúp ích cho Malaysia. "Malaysia vốn đã có cơ sở hạ tầng tốt, đúng với những gì bạn mong đợi về một nền kinh tế phát triển và tốt hơn nhiều so với các quốc gia có mức thu nhập tương tự", Holmes viết. "Chúng tôi nghi ngờ rằng tất khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng đang được lên kế hoạch sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa lớn, cung vượt lên cầu".
"Có hai lý do khiến chính phủ Malaysia dừng một số dự án cơ sở hạ tầng", James Chin, giám đốc Viện châu Á tại Đại học Tasmania, nói. "Trước tiên, việc này mang tính chính trị, nhằm mục đích cho các cử tri thấy rằng họ sẽ làm một điều gì đó khác với các chính quyền trước đó. Ngoài ra, nhiều dự án lớn đã được định giá quá cao để phục vụ cho lợi ích của những người có kết nối với chính quyền tiền nhiệm".
Tuy nhiên, một năm sau khi đắc cử, Mahathir đã giảm những phát ngôn gay gắt về Trung Quốc. Hồi tháng 4, ông còn tham dự cuộc họp về Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Malaysia, năm ngoái có tổng trị giá 4,75 tỷ USD, vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế, môi trường và địa chính trị nước này.
Các dự án đường sắt, cảng, công nghiệp và nhà ở do Trung Quốc đầu tư một phần hoặc toàn bộ hiện vẫn còn. Thay đổi duy nhất là Mahathir đã đàm phán các hợp đồng mới để giảm chi phí và kéo dài thời gian hoàn thành dự án.
Theo thỏa thuận mới, Trung Quốc sẽ xây dựng ECRL với chi phí 44 tỷ ringgit (10,6 tỷ USD), thấp hơn 30% so với hợp đồng xây năm 2016 do Najib đàm phán. Tuy nhiên, chi phí thấp hơn cũng một phần do chiều dài tuyến đường bị giảm 40 km.
Việc khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá 17 tỷ USD giữa Singapore và Kuala Lumpur đã bị trì hoãn đến năm 2020, muộn hơn một năm so với dự kiến ban đầu. Một tuyến đường sắt dài 3,4 km giữa Johor Bahru và Singapore cũng đã bị đình chỉ để chờ quyết định của chính phủ Malaysia vào tháng 9 về việc có nên tiến hành hay không.
Trong khi đó, dự án cảng Melaka Gateway 10 tỷ USD ở bờ tây Malaysia hợp tác phát triển với PowerChina International, dự án cảng một tỷ USD ở Kuantan và một cơ sở sản xuất hai tỷ USD gần đó, vẫn đang được tiến hành.
Trước chuyến thăm Bắc Kinh đầu năm nay, Mahathir cũng tuyên bố Malaysia sẽ hồi sinh Bandar Malaysia, dự án bất động sản trị giá 34 tỷ USD, rộng 190 ha được lên kế hoạch để xây dựng căn cứ không quân. Bandar Malaysia đã bị dừng vào năm 2017 sau khi nhà phát triển Trung Quốc chính rút khỏi dự án do bất đồng về các khoản thanh toán theo lịch trình.
Sự thay đổi trong giọng điệu của Mahathir phản ánh sự khác biệt giữa chiến dịch tranh cử và việc điều hành đất nước. Nếu dừng các dự án lớn, họ có thể làm phật lòng Bắc Kinh vào thời điểm họ đang mong muốn ký thêm các thỏa thuận xuất khẩu dầu cọ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nợ công của Malaysia đã lên đến hơn 250 tỷ USD, một phần do việc chi tiêu cơ sở hạ tầng của Najib. Việc đàm phán lại để hạ chi phí dự án thay vì hủy bỏ là phương án vừa có thể giảm bớt gánh nặng nợ công vừa có thể giữ được mối quan hệ.
"Năm ngoái, việc phản đối các khoản đầu tư của Trung Quốc là lá bài giúp Mahathir đắc cử. Nhưng việc điều hành đất nước đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, ngành công nghiệp, ngân sách và nền kinh tế", ký giả Keith Schneider ở Mỹ viết. "Cả những mối lo ngại về môi trường lẫn những phát ngôn chống Trung Quốc dường như đều không thể thay đổi điều đó ở Malaysia".
Phương Vũ (Theo Mongabay)