Arab Saudi là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới với khoảng 67,6 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc. Các hệ thống phòng thủ của nước này được thiết kế để đối phó với nhiều mối đe dọa khác nhau.
Với ngân sách quốc phòng dồi dào như vậy, quân đội Arab Saudi biên chế nhiều hệ thống phòng không hiện đại và đắt đỏ bậc nhất thế giới, gồm tên lửa Patriot và HAWK cải tiến của Mỹ, pháo phòng không Skyguard Đức và tên lửa Shahine Pháp. Ngoài ra, nước này đã đặt mua Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tối tân của Mỹ.
Nhưng những tổ hợp phòng không đắt tiền như vậy lại không phù hợp để bảo vệ các mục tiêu dân sự có giá trị chiến lược như các nhà máy lọc dầu của tập đoàn Aramco, theo Jack Watling, chuyên gia tác chiến tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh.
"Patriot là loại tên lửa không phù hợp. Thành tích đánh chặn các loại tên lửa của nó khá tệ, chúng hiếm khi đánh trúng mục tiêu", Watling nói. Một vấn đề khác là Patriot được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm cao, không phải dùng để đối phó tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV).
"Đó là những tên lửa hành trình bay thấp, dưới tầm phát hiện và đánh chặn của Patriot. Khó có thể kỳ vọng Patriot diệt được các vũ khí này, dù khả năng bắn hạ máy bay của nó là rất tốt", Watling nói.
Trong đòn tấn công hai nhà máy lọc dầu cuối tuần trước, các loại tên lửa hành trình và UAV được sử dụng, bởi tên lửa đạn đạo là không cần thiết để nhắm vào mục tiêu dễ dàng như vậy.
"Các nhà máy dầu của Arab Saudi giống một cây thông Noel sáng rực giữa sa mạc vào ban đêm. Đối phương chỉ cần dùng vũ khí giá rẻ thay vì những khí tài công nghệ cao với chi phí đắt đỏ", Michael Rubin, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định.
Bộ Quốc phòng Arab Saudi cho biết 25 tên lửa hành trình và UAV được triển khai cho đòn tấn công nhà máy Aramco. "Lực lượng phòng không sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu gặp phải những mục tiêu nằm ngoài thiết kế của vũ khí", chuyên gia Dave DesRoches tại Đại học Quốc phòng Mỹ, nêu quan điểm.
Đây dường như là nguyên nhân khiến 88 tổ hợp Patriot, trong đó có những phiên bản PAC-3 hiện đại nhất, của phòng không Arab Saudi hoàn toàn im hơi lặng tiếng trong đòn tập kích hôm 14/9.
Ngoài Patriot, quân đội Arab Saudi cũng bố trí lực lượng phòng không tầm ngắn để bảo vệ nhà máy lọc dầu ở Abqaiq, gồm một khẩu đội tên lửa Shahine cùng 3-4 trận địa Skyguard, mỗi trận địa có hai pháo Oerlikon Contraves nòng đôi cỡ 35 mm và hệ thống điều khiển hỏa lực.
Dù là lá chắn cuối cùng bảo vệ cơ sở này, các tổ hợp trên không phù hợp để chặn tên lửa hành trình và không có bằng chứng nào cho thấy các binh sĩ Arab Saudi được huấn luyện kỹ càng để sử dụng chúng", Watling nói. Các vũ khí này chủ yếu được phát triển từ thập niên 1980, với tốc độ bắn khá chậm.
"Chúng có uy lực khá đáng gờm nếu đây là năm 1995. Các hệ thống này không được thiết kế để chặn tên lửa hành trình. Shahine và Skyguard có thể phát hiện mục tiêu như tiêm kích ở tầm 20 km, khoảng cách này và thời gian cảnh báo sẽ rút ngắn đáng kể với những vật thể nhỏ như UAV hoặc tên lửa hành trình", nhà phân tích Michael Duitsman cho biết.
Ngoài yếu tố vũ khí không phù hợp, các chuyên gia còn cho rằng ý thức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu của các binh sĩ Arab Saudi cũng góp phần lớn vào thất bại của họ trong đòn tập kích vào nhà máy lọc dầu.
"Quân đội Arab Saudi đã tham chiến ở Yemen và chắc chắn nắm rõ cách vận hành những hệ thống phòng không phức tạp", Watling nhận định, nói rằng sự yếu kém chủ yếu bắt nguồn từ sự chủ quan và thiếu cảnh giác.
Chuyên gia Andreas Krieg, giảng viên Đại học King ở London, cũng có đánh giá tương tự khi cho rằng cuộc tấn công có độ chính xác cao, đánh trúng các mục tiêu trong khi Arab Saudi đã bố trí lưới phòng không dày đặc trong khu vực. Cách lý giải hợp lý nhất là kíp phòng không Arab Saudi chỉ theo dõi một hướng nhất định, thay vì cảnh giới mọi phía.
"Nếu chỉ huy khẩu đội coi nhẹ khả năng bị tập kích, họ sẽ không bao giờ giám sát không phận một cách thận trọng. Điều này dẫn tới nguy cơ bỏ sót mục tiêu, để lỡ thời cơ đánh chặn và gây thiệt hại cho khu vực cần bảo vệ", Watling nói.
Khi thiếu cảnh giác, các kíp phòng không dù giỏi cỡ nào cũng khó có thể tập trung chú ý để phát hiện những vật thể bay nhỏ hoặc tên lửa bay thấp trên radar trong thời gian ngắn để tiến hành các biện pháp đối phó, theo chuyên gia này.
Ngoài ra, nhiệm vụ bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu khí ở Arab Saudi chủ yếu được giao cho Bộ Nội vụ, không phải Bộ Quốc phòng, Becca Wasser, chuyên gia an ninh tại RAND Corp, cho biết. "Các vũ khí hiện đại của Mỹ chủ yếu được chuyển đến cho quân đội, còn Bộ Nội vụ Arab Saudi không được trang bị tương xứng để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ như vậy", Wasser nói.
Kể từ năm 2016, gần như tháng nào phiến quân Houthi ở Yemen cũng tập kích Arab Saudi bằng tên lửa. Tuy nhiên, để có hệ thống phòng thủ điểm đủ sức đối phó cuộc tập kích tương tự hôm 14/9, Riyadh sẽ cần triển khai các tổ hợp phòng không tầm ngắn và radar cảnh giới tầm thấp, chuyên bắt mục tiêu bay thấp. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là binh sĩ phải làm chủ khí tài và tập trung thực hiện nhiệm vụ, các chuyên gia nhận định.
Duy Sơn (Theo CNBC)