Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của nước này. Giới quan sát cho rằng qua cuộc gặp này, ông Kim có thể muốn Nga trợ giúp để được giảm bớt lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi Putin cũng thu được những lợi ích đáng kể khi thảo luận trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên.
Theo Rebecca Grant, chuyên gia phân tích an ninh Washington, D.C, Mỹ, Putin là một lãnh đạo rất quan tâm tới vấn đề kinh tế và hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ông với Kim Jong-un có thể là nền tảng cho những cơ hội hợp tác kinh tế lớn giữa hai nước một khi lệnh cấm vận nhắm vào Bình Nhưỡng được nới lỏng.
Nga từ lâu đã có tham vọng xây dựng tuyến đường sắt và đường ống dẫn khí đốt xuyên Siberia và xuyên bán đảo Triều Tiên cũng như xây dựng "siêu mạng lưới" cung cấp điện cho toàn bộ khu vực Đông Bắc Á. Những dự án này là nền tảng về kinh tế trong nỗ lực của Nga nhằm xây dựng vị thế là một cường quốc trong khu vực thông qua sức mạnh về kinh tế và đặc biệt là năng lượng.
Trong các dự án này, quan trọng nhất là đường ống dẫn khí đốt hóa lỏng từ thành phố Vladivostok tới Hàn Quốc, quốc gia nhập khẩu khí hóa lỏng lớn thứ hai thế giới và tất cả hiện nay đều phải vận chuyển bằng đường biển. Tuyến đường ống tối ưu để Nga cung cấp khí hóa lỏng cho Hàn Quốc là đi qua lãnh thổ Triều Tiên.
Hàn Quốc từ lâu đã nhiệt tình hưởng ứng dự án và Nga - Triều đã thảo luận về đường xuyên biên giới này kể từ sau hội nghị thượng đỉnh năm 2011. Tuy nhiên, loạt lệnh cấm vận mà Liên Hợp Quốc áp đặt với Triều Tiên gần đây đã khiến dự án không thể trở thành hiện thực.
Stephen J. Blank, chuyên gia tại trung tâm 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, cho rằng trong hội nghị thượng đỉnh lần này, Putin sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận cụ thể, không thể đảo ngược với Kim Jong-un trong việc ủng hộ dự án đường ống khí đốt này. Điều đó sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho Nga và Hàn Quốc một khi lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên được giảm nhẹ hoặc dỡ bỏ.
Ngoài tiềm năng kinh tế, cuộc gặp lần này với Kim Jong-un còn là cơ hội để Putin nâng cao hình ảnh và uy tín của mình trên trường quốc tế, trong bối cảnh Nga ngày càng có ít cơ hội tham gia các sân chơi lớn. Sau khi mâu thuẫn với phương Tây gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc sáp nhập bán đảo Crimea, Nga đã không còn tham dự diễn đàn kinh tế G8, cuộc gặp giữa Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina cuối năm ngoái cũng bị hủy.
Nga cũng từng tham gia các cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng những cuộc thảo luận cấp cao như vậy rơi vào bế tắc và đổ vỡ nhiều năm trước. Hội nghị thượng đỉnh lần này với Kim Jong-un sẽ tiếp tục giúp Tổng thống Putin trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, cũng là cách để chứng tỏ vai trò ngoại giao của Nga trong các ưu tiên đối ngoại của Mỹ, sau khi Moskva đã tự khẳng định vị thế của mình trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria hay Afghanistan.
"Nga không muốn bị gạt ra bên lề trong bất cứ cuộc đàm phán nào liên quan đến vấn đề Triều Tiên, họ vẫn muốn mình là một tay chơi có tầm quan trọng nhất định", Jung Pak, học giả về Triều Tiên tại Viện Brookings, nhận định. Mong muốn khẳng định tầm quan trọng của Nga càng lớn hơn sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai ở Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Cuộc gặp trực tiếp với Kim Jong-un cũng giúp Putin phát thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc, đồng minh thân cận với Triều Tiên và nhiều khả năng đang theo dõi sát sao sự kiện này. Theo chuyên gia Grant, Moskva và Bắc Kinh đã từng "so kè" ảnh hưởng với Bình Nhưỡng từ thập niên 1950, thời kỳ Liên Xô có quan hệ tốt với Triều Tiên.
Tuy nhiên, kinh tế Nga hiện nay chỉ có quy mô bằng khoảng 1/10 so với Trung Quốc, ưu thế về quân sự của họ cũng đang dần bị thu hẹp. Nga được cho là đóng vai trò kém quan trọng hơn Trung Quốc rất nhiều trong việc hỗ trợ Triều Tiên, chủ yếu thông qua hoạt động viện trợ lương thực và tiếp nhận lao động của nước này tới làm việc. Cuộc gặp Putin – Kim tại Vladivostok mở ra nhiều cơ hội để Nga cạnh tranh ảnh hưởng về vấn đề Triều Tiên với Trung Quốc.
Chuyên gia Blank thì cho rằng điều Putin mong muốn nhất thông qua cuộc gặp với Kim Jong-un là bầu không khí hòa bình ở Đông Bắc Á. Bởi vậy, Tổng thống Nga sẽ tìm cách hiểu rõ chiến lược phi hạt nhân hóa của lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời khuyến khích Bình Nhưỡng thực hiện những bước đi đầu tiên để thúc đẩy tiến trình với Washington, cũng như tìm ra cách thức để Moskva có thể tham gia vào quá trình đó.
Hòa bình ở bán đảo Triều Tiên mang lại lợi ích lớn cho Nga, quốc gia có chung biên giới trên bộ với Triều Tiên và nằm trong tầm bắn của các loại tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng đang sở hữu. Bởi vậy, Putin không muốn tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều rơi vào bế tắc và tăng nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến ngay sát biên giới nước này.
Moskva từ lâu đã tìm cách khôi phục đàm phán 6 bên và coi đây là cách tốt nhất để đảm bảo vai trò của Nga trong bất cứ tiến trình nào sẽ mang lại thay đổi lớn cho khu vực. Nga cũng thể hiện mong muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và ủng hộ các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhắm vào chính quyền Kim Jong-un.
Khi gặp nhau ở Helsinki năm 2018, Trump cũng đã thông báo với Putin về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất ở Singapore. Mới tuần trước, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Steve Biegun đã có cuộc thảo luận "mang tính xây dựng" với các nhà ngoại giao Nga ở Moskva về phi hạt nhân hóa và kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga – Triều.
Các chuyên gia dự đoán trong cuộc gặp lần này, Putin sẽ tìm kiếm một biện pháp trao đổi nào đó để Triều Tiên có thể nối lại các cuộc thảo luận đang đình trệ với Mỹ và tăng cường vai trò của Moskva trong những vòng đàm phán tương lai.
Điều này không đồng nghĩa với việc Kim Jong-un sẽ đưa ra một kế hoạch đàm phán mới "có thể chấp nhận được với Mỹ" sau chuyến thăm tới Nga, nhưng nó sẽ giúp lãnh đạo Triều Tiên có cái nhìn rõ ràng hơn về việc ông có thể đề xuất gì với Washington và Seoul để Nga và Trung Quốc có thể đưa ra biện pháp trợ giúp phù hợp giúp họ vượt qua khó khăn trong nước và ủng hộ các chiến thuật đàm phán của ông.
Blank tin rằng Nga có thể có những đóng góp rất thiết thực cho tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên một khi Kim Jong-un sẵn sàng. Nga sở hữu nhiều kinh nghiệm xử lý vật liệu hạt nhân từ thập niên 1990 và có thể giúp vận chuyển uranium bằng tàu hỏa ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên vào một ngày nào đó.
Chuyên gia này khẳng định cuộc gặp Putin – Kim sẽ mang lại lợi ích cho tiến trình phi hạt nhân hóa, bởi kế hoạch kinh tế của ông ở Đông Bắc Á có thể đổ vỡ nếu Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép quân sự với Triều Tiên khi đàm phán thất bại. "Và ai mà biết được, hội nghị thượng đỉnh với Putin sẽ khiến cuộc gặp lần ba giữa Kim Jong-un với Trump trở nên thuận lợi hơn", Blank nói.
Thành Nguyễn (Theo FP, Fox News, 38 North)