Tổng thống Trump đã viết lại "sổ tay" phong cách ngoại giao Mỹ bằng thái độ sẵn sàng gặp bất cứ ai, tại bất cứ đâu để đạt được thỏa thuận. Với việc sa thải cố vấn an ninh quốc gia diều hâu John Bolton, Trump đã loại bỏ được một trong những tiếng nói bất đồng cuối cùng, người phản đối phong cách bốc đồng và bản năng của ông, chuyên gia nhận định.
Đến nay, Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên và gặp lãnh đạo Triều Tiên. Ông cũng tìm cách thắt chặt mối quan hệ với Tổng thống Nga. Không còn Bolton, rào cản ngăn ông gặp Tổng thống Iran tại một cuộc họp ở Liên Hợp Quốc vào cuối tháng hay hòa đàm với lực lượng Taliban ở Afghanistan sẽ biến mất.
"Tổng thống Trump lâu nay vẫn luôn có hai giọng nói thì thầm bên tai: một người cố vấn ngoại giao và người còn lại khuyên ông cần hiếu chiến hơn", Rob Malley, lãnh đạo Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, trụ sở ở Washington, nhận xét. "Khi Bolton đi, tiếng nói còn lại không còn đối thủ. Điều đó có thể tạo ra những cơ hội mới cho tiến trình ngoại giao ở Iran, Afghanistan, Triều Tiên và Venezuela".
Trump ngay từ đầu đã cho thấy ông là người không phù hợp để làm theo các quy tắc hay chuẩn mực ngoại giao. Ông chạy đua vào Nhà Trắng với tư cách ứng viên đảng Cộng hòa song lại không có mối liên hệ rõ ràng với triết lý bảo thủ truyền thống về các vấn đề chính sách ngoại giao của đảng này. Trump thường nhận mình như một lãnh đạo linh hoạt nhằm trấn an rằng mọi đề xuất phi truyền thống và gây tranh cãi ông đưa ra đều có thể thay đổi.
Trump từng tuyên bố ông không quan tâm tới sự đồng thuận, đề cao việc các cố vấn hàng đầu có những quan điểm trái ngược. Là một trong những tiếng nói chính sách đối ngoại độc lập cuối cùng trong chính quyền, Bolton đã thể hiện một quan điểm không biện giải, siêu diều hâu nhưng thường xuyên mâu thuẫn với cách tiếp cận chính sách ngoại giao sôi nổi nhưng né tránh can thiệp quân sự của Tổng thống.
Bolton gia nhập chính quyền hồi tháng 4/2018, thời điểm mà nhiều tiếng nói ôn hòa tại Nhà Trắng đã ra đi. Với Bolton và Ngoại trưởng Pompeo, cũng mang tư tưởng diều hâu, chính sách đối ngoại của Trump lúc bấy giờ được dự đoán sẽ có một bước chuyển biến mạnh mẽ.
Nhưng Trump đã chọn đối thoại thay vì đối đầu. Chẳng hạn, ông hủy bỏ vào phút chót quyết định, được Bolton ủng hộ, không kích trả đũa Iran sau vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái Mỹ hồi tháng 6.
Phát ngôn viên chính phủ Iran Ali Rabiei, đã ca ngợi việc Bolton rời Nhà Trắng trong một bài đăng trên Twitter. "Nhiều tháng trước, John Bolton đã hứa rằng Iran sẽ không thể đứng vững sau ba tháng. Chúng tôi vẫn ở đây và ông ấy thì biến mất. Với việc xóa bỏ yếu tố khủng bố chiến tranh và kinh tế lớn nhất khỏi chính quyền, Nhà Trắng đã loại được những trở ngại trong việc hiểu rõ hơn những thực tế tại Iran".
Ngoại trưởng Pompeo ngày 10/9 cho biết Tổng thống Trump sẽ gặp người đồng cấp Iran. "Tổng thống đã thể hiện rất rõ ràng rằng ông sẵn sàng gặp mặt mà không cần điều kiện tiền đề nào", Pompeo nói.
Trump đang tham gia vào các cuộc chiến thương mại trên toàn thế giới nhưng chọn cách phản ứng cẩn trọng về cuộc biểu tình ở Hong Kong nhằm không làm gián đoạn các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, bất chấp việc một số nghị sĩ Cộng hòa đề nghị ông công khai thể hiện sự ủng hộ.
Bất chấp áp lực từ Bolton và những người khác, bao gồm cả các thành viên đảng Cộng hòa tại quốc hội, Trump vẫn tiếp tục thờ ơ trước câu hỏi về việc có áp đặt trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ hay không sau khi Ankara mới đây quyết định mua một hệ thống phòng không Nga, động thái khiến Washington phải ngừng thương vụ bán chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Lockheed Martin cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Bolton luôn thúc giục chính quyền có hành động cứng rắn hơn với Venezuela từ lâu đã trở thành nguồn gây căng thẳng lớn trong chính quyền. Trong khi đó, Trump ngày càng thất vọng bởi canh bạc của ông đặt cược vào các biện pháp gây áp lực kinh tế nhằm buộc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro từ chức đang có dấu hiệu thất bại.
Trump đã hứng chịu không ít chỉ trích vì hấp tấp ngồi vào các cuộc đàm phán quốc tế mà thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc Bolton rời chính quyền mở ra cánh cửa đàm phán với Iran nhưng nó cũng gây lo lắng cho các đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, bao gồm các quốc gia vùng vịnh Ba Tư và Israel, chuyên gia Danielle Pletka từ Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định.
Theo Pletka, điểm mấu chốt của việc Bolton rời chính quyền là nó tạo ra sự không chắc chắn. "Bất ổn về chính sách đối ngoại, giống như trong kinh tế, không phải điều tốt", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)