Lầu Năm Góc xác nhận Triều Tiên hôm qua phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn xuống Biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là Biển Đông), tương tự loại vũ khí mà họ thử nghiệm hôm 4/5. Chúng chỉ có tầm bắn hơn 400 km, không thể vươn tới lãnh thổ Mỹ nhưng đủ khả năng đe dọa các căn cứ quân sự của Washington ở Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Giới chuyên gia nhận định việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành hai vụ phóng tên lửa trong chưa đầy một tuần là một thông điệp cảnh báo gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng họ rất không hài lòng khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa suốt nhiều tháng qua không đạt được kết quả thực chất. Đây cũng là cách để lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thử thách giới hạn lòng kiên nhẫn của ông chủ Nhà Trắng.
Sau vụ phóng của Triều Tiên, Tổng thống Trump tìm cách xoa dịu tình hình, nhấn mạnh chúng đều là "những tên lửa nhỏ", song khẳng định "không bên nào vui vì điều này".
Các vụ phóng tên lửa diễn ra trong lúc đặc phái viên hàng đầu của Tổng thống Trump về Triều Tiên, Stephen Biegun, đang có mặt ở Seoul thảo luận cách để khai thông bế tắc sau khi hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai ở Hà Nội kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Dù hai lãnh đạo tuyên bố họ sẵn sàng tham gia hội nghị thượng đỉnh lần ba, việc thiếu vắng những cuộc đối thoại cấp thấp cũng như sự đình trệ của tiến trình đàm phán khiến triển vọng cho cuộc gặp Trump - Kim tiếp theo gần như bằng không. Tổng thống Trump phải lấy việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa để làm minh chứng cho thành công ngoại giao của mình, nhưng giờ đây, ông không còn có thể vin vào nó.
"Những cuộc thử nghiệm gần đây đã đẩy Trump vào thế khó", Eric Brewer, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới từng phụ trách chính sách về Triều Tiên tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump, nhận định. "Trump không ít lần nhấn mạnh rằng việc Bình Nhưỡng ngừng phóng tên lửa và thử hạt nhân là một trong những thành công lớn của ông trong nỗ lực đàm phán với Triều Tiên".
Bình Nhưỡng ngụ ý các vụ phóng tên lửa sẽ còn tiếp diễn. Trong bản tin phát ngày 10/5, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết lãnh đạo Kim Jong-un mong muốn "tiếp tục tăng cường năng lực của các đơn vị phòng thủ", lực lượng thực hiện hai vụ thử vũ khí vừa qua.
Jina Kim, nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, cho rằng việc Mỹ đưa ra những phản ứng yếu ớt trước hành động của Triều Tiên tiềm ẩn nhiều rủi ro và giúp Bình Nhưỡng đạt được mục tiêu thách thức kiên nhẫn của Washington.
"Triều Tiên có lẽ sẽ nghĩ rằng mức độ thử vũ khí như bây giờ sẽ không gây ra vấn đề gì, từ đó tiếp tục phóng tên lửa", Kim nói.
Phản ứng gay gắt nhất tới nay dường như đến từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. "Tôi muốn cảnh báo rằng nếu những vụ thử nghiệm như thế này còn tiếp diễn, nó có thể tác động xấu tới đối thoại", Tổng thống Moon nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 9/5. "Triều Tiên chắc hẳn vô cùng tức giận trước việc hội nghị thượng đỉnh Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận. Đây là cách họ phản đối Mỹ và Hàn Quốc".
Chính quyền Kim Jong-un, vì mất kiên nhẫn khi không nhận được sự nhượng bộ từ Washington, đã bắt đầu nối lại công kích nhằm vào các quan chức Mỹ. Tháng trước, một nhà ngoại giao cấp cao Triều Tiên cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra những tuyên bố liều lĩnh" làm suy yếu tiến trình đàm phán hạt nhân giữa hai nước".
Quan chức Triều Tiên thậm chí thúc giục Mỹ loại bỏ Ngoại trưởng Pompeo trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Dù Bình Nhưỡng vẫn thường xuyên chỉ trích Pompeo từ hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim đầu tiên hồi tháng 6 năm ngoái ở Singapore, đây là lần đầu tiên một quan chức Triều Tiên đưa ra yêu cầu thay thế ông.
"Chúng ta đã nhìn thấy hàng loạt động thái leo thang từ sau hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai. Triều Tiên tung ra vô số đòn công kích nhằm vào các thành viên trong đội ngũ cố vấn của Trump. Mục đích cuối cùng lãnh đạo Kim Jong-un hướng tới là Triều Tiên được công nhận như một quốc gia hạt nhân, đồng thời chấm dứt các biện pháp trừng phạt mà họ đang phải hứng chịu", Brewer đánh giá.
Sau hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim đầu tiên, Triều Tiên đã đóng cửa hoặc phá hủy một phần các cơ sở thử nghiệm hạt nhân, tên lửa. Nhưng từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần hai, Bình Nhưỡng đã nối lại hoạt động tại tổ hợp Yongbyon, khiến họ bị nghi ngờ đang tiến hành chế tạo tên lửa cùng vật liệu phân hạch.
Với hai vụ phóng thử mới nhất, "Triều Tiên đã làm rõ rằng họ sẽ không ngừng phát triển những thành phần khác trong năng lực quân sự của mình có khả năng đe dọa tới khu vực", Harry Kazianis, giám đốc Viện Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia có trụ sở ở Washington, Mỹ, nhận xét. "Mục đích của Kim Jong-un, ngoài việc khẳng định rằng chương trình vũ khí Triều Tiên ngày càng mạnh mẽ, cũng đã rõ ràng: Ông ấy muốn cho Mỹ và đồng minh thấy nếu họ không sẵn sàng thỏa hiệp về các điều khoản phi hạt nhân hóa, Bình Nhưỡng sẽ đi con đường riêng".
Vũ Hoàng (Theo Vox, Bloomberg)