Tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra ngày 30/7 ở Nigeria, khối Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) yêu cầu khôi phục quyền lực cho cựu tổng thống Niger Mohamed Bazoum trong vòng một tuần. Nếu không, khối cho biết họ sẽ thực hiện "mọi biện pháp" cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia này.
"Những biện pháp như vậy có thể tính đến cả việc sử dụng vũ lực để đạt được hiệu quả", tuyên bố từ ECOWAS nhấn mạnh, đồng thời thêm rằng các lãnh đạo quốc phòng của khối sẽ tiếp tục nhóm họp vào hôm nay.
"Không còn thời gian để chúng tôi gửi tín hiệu cảnh báo nữa. Đã đến lúc phải hành động", Tổng thống Nigeria kiêm chủ tịch ECOWAS Bola Tinubu nói.
Chưa rõ khối ECOWAS với 15 thành viên có thể sử dụng vũ lực như thế nào. Năm ngoái, khối đã đồng ý thành lập một lực lượng an ninh khu vực để chống lại những phần tử cực đoan và ngăn chặn các cuộc đảo chính quân sự, nhưng chi tiết về lực lượng này và nguồn tài chính cho họ chưa được vạch ra cụ thể.
Bên cạnh đó, ECOWAS cũng áp đặt trừng phạt đối với Niger và chính quyền quân sự tại quốc gia này, đóng băng "tất cả giao dịch thương mại và tài chính" giữa các thành viên với Niamey.
Cuối ngày 29/7, đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên chính quyền quân sự Niger, đã lên án hội nghị thượng đỉnh ECOWAS, nói rằng mục đích của họ là "thông qua một kế hoạch gây hấn với Niger, bằng cách phối hợp cùng những nước ngoài khối và một số nước phương Tây can thiệp quân sự vào Niamey".
Trong thông báo tiếp theo phát đi cùng ngày, chính quyền quân sự Niger kêu gọi người dân Niamey xuống đường biểu tình phản đối ECOWAS và thể hiện ủng hộ với chính quyền mới.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 đã bắt và quản thúc ông Bazoum tại dinh thự. Quân đội Niger sau đó tuyên bố trung thành với đội cận vệ "để tránh xung đột trong lực lượng vũ trang". Tướng Abdourahamane Tchiani, chỉ huy lực lượng cận vệ, được chọn làm tân lãnh đạo.
Pháp, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều lên án cuộc đảo chính ở Niger. EU tuyên bố không công nhận phe đảo chính, đình chỉ hỗ trợ tài chính và hợp tác an ninh với Niger. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với ông Bazoum, cam kết sẽ đảm bảo khôi phục trật tự hiến pháp nước này.
Niger là đối tác chính của Pháp và Mỹ trong đối phó với phiến quân Hồi giáo cực đoan tại vùng Sahel ở Tây và Trung Phi, ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ khu vực châu Phi cận Sahara. EU có một lượng nhỏ quân đội làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự ở Niger.
Niger là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara. Niger có dân số khoảng 25,4 triệu người, hầu hết theo đạo Hồi, sống tập trung ở miền nam và miền tây đất nước. Nước này cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, thường xếp hạng cuối cùng về Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp Quốc.
Vũ Hoàng (Theo AFP)