Nhiều đồn đoán đang rộ lên về việc Mỹ có thể thả Viktor Bout, kẻ buôn vũ khí có biệt danh "lái súng tử thần" đang thụ án 25 năm tù ở Marion, bang Illinois, để đổi lấy tự do cho ngôi sao bóng rổ nữ Brittney Griner và cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan, đều đang là tù nhân tại Nga.
Truyền thông nhà nước Nga nhiều tháng qua suy đoán rằng Griner, người bị bắt tại sân bay Moskva hồi tháng hai vì mang thuốc lá điện tử chứa dầu cần sa nhập cảnh vào Nga, và Whelan, bị kết án 16 năm tù ở Nga vì tội gián điệp, có thể trở thành tù nhân trao đổi với Bout, người mà Điện Kremlin lâu nay vẫn tìm cách cứu khỏi nhà tù Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden suốt thời gian qua vẫn giữ im lặng về khả năng này. Nhưng hôm 27/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có bình luận công khai đầu tiên liên quan đến nỗ lực đưa Griner và Whelan về nước, nói rằng Washington đã "đưa ra một đề xuất quan trọng" với Moskva.
Ông Blinken không nêu rõ đề xuất này là gì, nhưng một nguồn thạo tin cho hay chính quyền Biden đã đề nghị đổi Bout lấy Griner và Whelan do sức ép ngày càng tăng từ dư luận. Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin này.
Bout, sinh năm 1967 tại Dushanbe, Tajikistan và gia nhập quân đội Liên Xô khi mới 18 tuổi, theo hồ sơ do New Yorker công bố năm 2012. Ông ta phục vụ hai năm trong một lữ đoàn bộ binh ở miền tây Ukraine, sau đó nộp đơn vào Học viện Ngoại ngữ Quân sự tại Moskva, nơi Bout học tiếng Bồ Đào Nha.
Bout trở thành phiên dịch viên quân sự trước khi Liên Xô tan rã năm 1991, để lại kho vũ khí khổng lồ nằm rải rác ở 15 nước cộng hòa. Phần lớn những nước này không thể giám sát được số vũ khí Liên Xô để lại và nhiều khí tài được rao bán trên thị trường chợ đen.
Năm 1995, khi 28 tuổi, Bout bắt đầu làm việc tại các kho chứa hàng hóa ở sân bay quốc tế Sharjah ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Nắm bắt cơ hội, Bout mua các máy bay vận tải thời Liên Xô rồi thành lập hãng hàng không vận tải Air Cess chuyên vận chuyển hàng hóa đến châu Phi và Afghanistan.
Đội máy bay của Bout chuyển vũ khí đi bán khắp nơi trên thế giới. Giới chức Mỹ cho biết Bout đã bán súng đạn tới Afghanistan, Angola, Congo, Lebanon, Somalia, Yemen và nhiều nước khác.
Trong những năm sau đó, Bout cung cấp những vũ khí tinh vi hơn cho các cuộc nội chiến, đôi khi cho cả hai phe, khiến xung đột ngày càng đẫm máu hơn. "Nếu tôi không làm thì người khác sẽ làm", Bout nói trong một cuộc phỏng vấn.
Lúc bấy giờ, Bout đã lọt vào tầm ngắm của giới chức Mỹ và Anh. Peter Hain, bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề châu Phi khi đó, đã lên tiếng cảnh báo về việc binh sĩ Anh ở châu Phi bị tấn công bằng vũ khí ngày càng hiện đại.
"Những kẻ phá hoại các lệnh trừng phạt đang tiếp tục kéo dài xung đột ở Sierra Leone và Angola, với hệ quả là vô số sinh mạng bị tước đoạt và những cuộc tàn sát đang diễn ra. Viktor Bout là kẻ phá hoại chính và là một lái súng tử thần, sở hữu các công ty vận tải hàng không vận chuyển vũ khí cùng trang thiết bị hậu cần cho quân nổi dậy ở Angola và Sierra Leone để đổi lấy kim cương... Ông ta hỗ trợ và tiếp tay cho những kẻ đang chĩa súng vào binh lính Anh", Hain nói trước Hạ viện Anh hồi năm 2000.
Biệt danh "lái súng tử thần" ghi dấu trong tâm trí Hain sau khi ông đọc một báo cáo tình báo về các hoạt động của Bout, theo cuốn sách "Chiến dịch Bất tận: Cuộc săn lùng tội phạm giàu có nhất, chết chóc nhất lịch sử" từ tác giả Damien Lewis.
Tại Mỹ, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Bout và những công ty của ông ta nhằm đóng băng tài sản và ngăn chặn mọi giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ.
Nhưng hoạt động kinh doanh của Bout núp bóng rất kín kẽ dưới các công ty bình phong, đến nỗi chính phủ Mỹ đã vô tình ký hợp đồng với hai công ty do Bout điều hành để vận chuyển hàng tiếp tế cho quân đội Mỹ ở Iraq.
Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) đã quyết định giăng một mẻ lưới lớn để bắt Bout. "Với tôi, Bout là một trong những kẻ nguy hiểm nhất Trái Đất", Michael Braun, cựu giám đốc DEA, trả lời phỏng vấn trên truyền hình hồi năm 2010.
Năm 2007, DEA nghĩ ra kế hoạch dụ Bout rời khỏi Nga bằng một thương vụ vũ khí khó có thể từ chối. Họ thuê một đại lý bí mật liên hệ với cộng sự đáng tin cậy của Bout, thảo luận về một hợp đồng rất lớn.
Các đặc vụ DEA đóng giả làm thành viên Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) sau đó được bố trí gặp Andrew Smulian, cộng sự của Bout, trên đảo Curacao, cách bờ biển Colombia vài trăm km, để bàn về hợp đồng.
Smulian sau đó bay tới Moskva để trình bày về thỏa thuận với Bout. Hai tuần sau, Smulian gặp các đặc vụ DEA ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, nói với họ rằng Bout thích thỏa thuận này.
Vài tuần sau, Bout lên đường đến Thái Lan, nghĩ rằng sẽ gặp các thành viên FARC để thảo luận về việc vận chuyển "một kho vũ khí" để tấn công trực thăng Mỹ ở Colombia.
Trong cuộc gặp vào tháng 3/2008 tại một khách sạn ở Bangkok, Bout nói với những đặc vụ DEA đóng giả làm thành viên FARC rằng ông ta có thể thả vũ khí ở Colombia, đồng thời thừa nhận những vũ khí này có thể được sử dụng để giết người Mỹ.
Sau khi nghe lén và ghi âm cuộc gặp, cảnh sát Thái Lan cùng đặc vụ DEA lập tức ập vào phòng, bắt Bout tại chỗ. "Cuộc chơi kết thúc", Bout nói lúc bấy giờ.
Bout khẳng định với báo chí rằng ông ta chưa bao giờ là một điệp viên, nhưng những người quen biết hoặc có thông tin về Bout, trong đó có đối tác kinh doanh cũ và một cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đều nói Bout từng làm việc cho GRU, cơ quan tình báo quân sự nước ngoài của Liên Xô.
Ông ta bị giới chức Thái Lan dẫn độ sang Mỹ năm 2010 và bị kết án 25 năm tù về tội khủng bố một năm sau đó. Năm nay 55 tuổi, Bout dự kiến được trả tự do vào tháng 8/2029, theo trang web của Cục Nhà tù Liên bang Mỹ.
"Họ sẽ tìm cách nhốt tôi suốt đời", Bout nói trước thời điểm bị tuyên án. "Nhưng tôi sẽ quay lại Nga. Tôi không biết khi nào. Nhưng tôi vẫn còn trẻ".
Vũ Hoàng (Theo CBS News)