Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam từng cảnh báo trung tâm tài chính quốc tế đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn so với thời điểm dịch SARS năm 2003 hay khủng hoảng tài chính 2008.
"Tình hình lần này nghiêm trọng hơn", bà nói về hậu quả kinh tế của các cuộc biểu tình. "Nói cách khác, việc phục hồi kinh tế sẽ mất thời gian dài".
Khu vực tư nhân, đặc biệt là du lịch, bắt đầu tính toán thiệt hại sau hơn hai tháng nổ ra biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, cho phép dẫn độ nghi phạm sang các khu vực chưa ký luật dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục. Các số liệu rất rõ ràng: tỷ lệ kín phòng ở khách sạn giảm hai chữ số, cũng như lượng khách tới trong tháng 7. Tour du lịch theo nhóm từ thị trường ngắn ngày giảm tới 50%.
"Chuyện xảy ra tại Hong Kong những tháng gần đây đã đặt sinh kế của người dân địa phương cũng như nền kinh tế vào tình trạng đáng lo ngại, thậm chí nguy hiểm", Edward Yau, trưởng ban phát triển kinh tế thương mại Hong Kong cảnh báo.
"Tôi nghĩ rằng tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn", Jason Wong, chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Du lịch Hong Kong nói. Tác động tệ đến mức các đại lý du lịch đang cân nhắc cho nhân viên nghỉ phép không lương để vượt qua thời điểm khó khăn này.
Hình ảnh về các cuộc đụng độ ngày càng dữ dội giữa người biểu tình đeo mặt nạ và cảnh sát bắn hơi cay trên đường phố thu hút sự chú ý toàn cầu. Người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình mới trong tháng 8 tới khi lãnh đạo Hong Kong đáp ứng yêu cầu rút hoàn toàn dự luật dẫn độ và trưởng đặc khu Carrie Lam phải từ chức.
Phát ngôn viên của Cục Du lịch Hong Kong cho hay số lượng đặt phòng trong tháng 8 và tháng 9 đã "giảm đáng kể", cho thấy tổn thất kinh tế sẽ kéo dài suốt mùa hè năm nay.
Một loạt các quốc gia bao gồm Mỹ, Australia và Nhật Bản đã cảnh báo công dân thận trọng khi tới Hong Kong. Biểu tình ảnh hưởng tới hãng máy bay Cathay Pacific của Hong Kong, khi tuần trước phải hủy bay vì đình công gây hỗn loạn trong thành phố.
Thậm chí công viên Disneyland cũng gặp khó khăn. CEO Bob Iger cho hay "biểu tình gây tác động lớn, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và làm giảm lượng khách".
Lĩnh vực bán lẻ cũng chịu nhiều tác động. Khách đến Hong Kong mua sắm sụt giảm vì cửa tiệm thường xuyên phải đóng cửa do các cuộc biểu tình nhỏ lẻ. Giới chuyên gia nói rằng cuộc khủng hoảng đang làm suy thoái kinh tế Hong Kong, vốn đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
"Rắc rối khởi nguồn từ nhiều vấn đề", Stephen Innes, chuyên gia công ty nghiên cứu thị trường Valour Markets cảnh báo. "Chúng ta luôn nghĩ rằng chuyện rồi cũng sẽ qua, nhưng tới nay, quan điểm đó đã sai và bây giờ, dường như mỗi cuối tuần, chúng ta phải đối phó với sự leo thang lớn hơn".
Thị trường bất động sản sụt giảm hơn 20% trong khủng hoảng tài chính 2008 vẫn đứng vững, nhưng Innes cảnh báo nếu khủng hoảng biểu tình ở Hong Kong ngày càng lớn, có thể khiến dòng vốn chảy ra ngoài.
"Mọi tiền bạc từ đại lục thúc đẩy thị trường bất động sản Hong Kong có thể đảo ngược nhanh như lúc nó chảy vào", ông nói. "Điều này khiến tình hình khó khăn hơn so với chúng ta từng dự đoán".
Bức tranh kinh tế của thành phố đã không mấy sáng sủa từ trước khi biểu tình xảy ra, với mức tăng trưởng giảm từ 4,6% còn 0,6% trong quý đầu, đây là kết quả tệ nhất trong vòng một thập kỷ. Dữ liệu cho thấy quý hai không khá hơn, trong khi chính quyền vẫn hy vọng tăng trưởng 2-3% trong năm nay, các ngân hàng lớn bi quan hơn.
Sự sụt giảm đó phản ánh tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới nền kinh tế lâu nay phụ thuộc lớn vào xử lý hậu cần. Nó dễ bị tổn thương nếu xảy ra chiến tranh thương mại.
Tác động của biểu tình đến tăng trưởng kinh tế sẽ không rõ ràng cho tới cuối năm nay, nhưng Martin Rasmussen, chuyên gia về Kinh tế Trung Quốc tại công ty tư vấn nghiên cứu Capital Economics, dự đoán khủng hoảng sẽ gây hậu quả nặng nề.
"Ban đầu biểu tình có vẻ khá ôn hòa, bạn có thể so sánh nó với phong trào 2014", ông nói. "Nhưng giờ biểu tình cực đoan hơn, vì vậy chúng tôi cho rằng nó bắt đầu gây hậu quả tới nền kinh tế".
Hồng Hạnh (Theo AFP)