Cảnh sát Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc truy quét nhằm vào giới chủ sử dụng nhân công như nô lệ tại một số tỉnh ở nước này, cứu được gần 570 người ra khỏi kiếp sống cùng cực.
Họ đã bắt giữ một nhà quản lý tại thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc, vào ngày 16/6 trong chiến dịch phá đường dây sử dụng nô lệ tại các lò gạch ở Sơn Tây và Hà Nam. Hoành Đình Hán bị cáo buộc đã cầm giữ người lao động, trong đó có nhiều người bị tâm thần, tại một lò gạch ở Sơn Tây và đối xử họ như nô lệ.
Nhân công tại một lò gạch ở ngoại ô Thượng Hải. Ảnh: AFP. |
Khi bị bắt, chủ nô này nói một cách dửng dưng: "Tôi thấy chuỵện đánh đập, chửi rủa và không phát lương cho công nhân chẳng có gì đáng nói cả". Điều đáng nói là trước khi cảnh sát ra tay, nhiều bậc phụ huynh đã tự dấn thân vào nơi hiểm nguy để tìm những đứa con bị mất tích.
Trong hơn 3 tháng trời, Dương Ái Chi, 46 tuổi, đã lùng sục không dưới 100 lò gạch nằm rải rác tại phía bắc tỉnh Sơn Tây trong cuộc hành trình đơn độc để tìm đứa con trai bị bắt cóc. Đến nay, dù vẫn chưa tìm thấy con mình, bà Dương đã phát hiện ra một sự thật động trời: nhiều lò gạch đã đẩy hàng trăm trẻ em và người lớn vào kiếp nô lệ. Bà đã chứng kiến những đứa trẻ bị buộc phải lao động khổ cực. Khi chúng đuối sức không thể kéo xe chở gạch, đốc công thẳng tay quất roi vào đầu chúng. Theo Tạp chí Southern Weekly, bà Dương đã cố giải cứu một vài đứa bé nhưng bị các chủ lò gạch đe dọa.
Nỗ lực không mệt mỏi của bà Dương đã khích lệ nhiều người khác. Khoảng 400 phụ huynh tại Hà Nam đã tự đi tìm con mình. Họ không nề nguy hiểm và tiêu hết tiền dành dụm để lần tìm vào vùng núi sâu, mong tìm thấy những đứa con mất tích. Một ông bố đã kết luận sau khi đi qua hơn 20 thành phố để tìm đứa con bị mất tích: "Các lò gạch trên chính là địa ngục của trẻ... Thay vì được ăn cơm, chúng phải ăn đòn mỗi ngày".
Chiến dịch truy quét
Cảnh sát tại Sơn Tây và Hà Nam đã triển khai chiến dịch truy quét các cơ sở sản xuất gạch phạm pháp. Đến nay, nhà chức trách đã giải cứu được 568 người, trong đó có khoảng 50 trẻ em, và bắt giữ 168 nghi can sau khi kiểm tra ít nhất 7.500 lò gạch với sự tham gia của hơn 35.000 cảnh sát.
Đợt đầu tiên, cảnh sát đã giải thoát 31 người bị buộc phải làm việc trong điều kiện hết sức khắc nghiệt tại một lò gạch và bắt 5 nghi can.
Đây là lò gạch mà Hoành Đình Hán quản lý cho một ông chủ họ Vương. Tay Vương và 4 kẻ thân tín đã bị tạm giam sau khi cảnh sát phát hiện những người này buộc 32 người làm nô lệ tại một lò gạch ở làng Thảo Thánh, tỉnh Hà Nam. Trong đó có 9 người bị tâm thần, không nhớ nổi mình là ai và một người bị đánh chết vào tháng 12 năm ngoái.
Dưới sự kiểm soát chặt chẽ của 5 đốc công cùng đàn chó dữ, các "nô lệ" không còn cách nào khác là phải làm việc quần quật từ 15 đến 16 giờ mỗi ngày và mỗi bữa ăn họ chỉ có 15 phút để nuốt bánh bao và nước lã. Theo báo Shanxi Evening News, công nhân thường bị buộc ngủ trên nền đất trong phòng tối tăm, không có lò sưởi, bị cấm làm vệ sinh cá nhân, thay hoặc giặt giũ quần áo kể từ khi bắt đầu kiếp sống nô lệ tại cơ sở gạch trên.
Sở dĩ có nhiều lò gạch sử dụng nhân công bất hợp pháp là do có sự tiếp tay của một số quan chức địa phương. Cụ thể, chủ lò gạch Vương nói trên là con một quan chức tại làng Thảo Thánh. Theo một người cha đi tìm con, cảnh sát địa phương không những không giúp đỡ mà đôi lúc còn ngăn ông cứu một vài đứa trẻ. Hiện một số quan chức đang bị điều tra liên quan đến đường dây buôn người và sử dụng nô lệ.
Dù cảnh sát đã phá nhiều cơ sở bóc lột nô lệ, nhưng theo Báo Tin Nhanh Quảng Châu vẫn còn ít nhất 400 bé trai đang bị hành hạ tại các lò gạch nằm sâu trong vùng núi Sơn Tây. Báo giới cũng ước tính gần đây có ít nhất 1.000 trẻ, nhỏ nhất khoảng 8 tuổi, đã bị bỏ thuốc và bị bắt cóc gần các bến xe và sau đó bị bán cho các chủ lò gạch với giá 70 USD/em. Trẻ bị buộc phải làm không dưới 14 giờ/ngày trong điều kiện tồi tệ với khẩu phần ăn ít ỏi. Một số bị đánh đập tàn nhẫn. Có trẻ làm nô lệ tại các lò gạch đến 7 năm.
(Thanh Niên)