Trung tâm Y tế Sheba gần thủ đô Tel Aviv của Israel hôm nay triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư cho các nhân viên y tế, gọi đây là nghiên cứu lớn đầu tiên về khả năng đối phó biến chủng Omicron trên những người được tiêm hai liều vaccine tăng cường.
"Thử nghiệm trên 150 người sẽ xác định hiệu quả tạo kháng thể của vaccine, cũng như mức độ an toàn nhằm đánh giá có cần tiêm đại trà mũi vaccine thứ tư hay không. Kết quả thử nghiệm sẽ được nộp cho Bộ Y tế trong khoảng hai tuần tới", phát ngôn viên bệnh viện cho hay.
Giới chức Israel hôm nay cũng thông báo rút ngắn thời gian giữa mũi vaccine thứ hai và liều tăng cường từ 5 tháng xuống còn 3 tháng, nhằm đẩy lùi đà lây nhiễm của biến chủng Omicron.
Thủ tướng Naftali Bennett tuần trước thông báo Israel đang chuẩn bị triển khai tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ tư cho những người trên 60 tuổi và nhân viên y tế dựa trên khuyến nghị của Ủy ban Chuyên gia về Đại dịch. Dù chưa có bằng chứng vững chắc, nhóm cố vấn chỉ ra những dấu hiệu khả năng miễn dịch suy giảm sau vài tháng tiêm mũi thứ ba, nhận định chậm trễ tiêm liều thứ tư có thể khiến Israel không thể bảo vệ nhóm có nguy cơ cao nhất.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo cần thêm dữ liệu để xác định liệu khả năng bảo vệ trước biến chứng nặng và tử vong có suy giảm sau ba mũi tiêm hay không. "Không thể mù quáng cho rằng một liều vaccine nữa sẽ giải quyết tất cả, vì điều đó sẽ không diễn ra", Hagai Levine, chuyên gia dịch bệnh và người điều hành Hiệp hội Bác sĩ Y tế công Israel, cho hay.
Israel là nước đi đầu thế giới về triển khai tiêm vaccine và sau đó là tiêm mũi tăng cường. Tốc độ triển khai tiêm chủng nhanh khiến Israel sớm phải đánh giá hiệu quả và tốc độ suy giảm khả năng miễn dịch.
63% dân số 9,4 triệu người của Israel đã được tiêm hai liều vaccine, trong khi gần 45% người dân đã tiêm mũi thứ ba. Nước này đã ghi nhận gần 2.000 trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm Omicron, trong khi tổng số ca nhiễm mới đã tăng mạnh trong một tuần qua.
Vũ Anh (Theo Reuters)