"Tại lò phản ứng hạt nhân Bushehr, chúng tôi cần làm giàu uranium ở mức 5% và đây là một mục tiêu hoàn toàn hòa bình", Ali Akbar Velayati, cố vấn các vấn đề quốc tế của lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, hôm 5/7 cho biết.
Bushehr là nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Iran, hoạt động nhờ nhiên liệu nhập khẩu từ Nga và được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, theo Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Tehran và 6 cường quốc hồi năm 2015, việc làm giàu uranium của Iran bị giới hạn ở mức tối đa là 3,67%, vừa đủ để sản xuất năng lượng và thấp hơn nhiều so với mức hơn 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA hồi tháng 5/2018. Động thái của Iran được cho là nhằm đáp trả việc Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga, 5 nước còn lại trong thỏa thuận, không thể giúp họ thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. "Mỹ trực tiếp vi phạm thỏa thuận, còn châu Âu thì gián tiếp. Chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng nếu họ vi phạm nhiều hơn", Velayati tuyên bố.
Nhà đàm phán hạt nhân cấp cao Abbas Araqchi tối nay sẽ công bố thêm những cắt giảm của Tehran trong việc tuân thủ JCPOA tại một cuộc họp báo. Iran cũng được cho là sẽ tuyên bố tăng mức làm giàu uranium lên 5%.
Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani còn đe dọa sẽ tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Arak từ ngày 7/7 nếu các bên không thực hiện cam kết trong thỏa thuận JCPOA. Theo điều khoản trong thỏa thuận này, Iran đã loại rút lõi nhiên liệu của Arak và thay bằng xi măng vào tháng 1/2016. Lò phản ứng nước nặng Arak được dùng để tạo ra plutonium, thành phần chính của vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua bày tỏ "quan ngại sâu sắc" với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani về "nguy cơ thỏa thuận hạt nhân suy yếu" và cảnh báo những hậu quả, đồng thời cho biết hai bên đã đồng ý thảo luận các điều kiện nối lại đối thoại về thỏa thuận vào ngày 15/7.
JCPOA, thỏa thuận được Iran ký với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015, là kết quả của 15 năm đàm phán ngoại giao. Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận này không đủ để ngăn Iran phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo, trong khi Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu ký thỏa thuận cho rằng JCPOA cần được duy trì.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, AFP)