"Tôi tin Kế hoạch hành động toàn diện chung năm 2015 (JCPOA) đã và vẫn sẽ là thỏa thuận khả dĩ nhất trong vấn đề hạt nhân", Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 5/7 trả lời phỏng vấn qua email với New York Times. Ông cho biết Iran đang cân nhắc vấn đề đi hay ở đối với thoả thuận và khẳng định sự sụp đổ của nó sẽ gây bất lợi cho tất cả các bên liên quan, bao gồm Mỹ.
"JCPOA không được xây dựng trên cơ sở niềm tin mà dựa vào sự ngờ vực lẫn nhau, đó là lý do thỏa thuận này rất dài và chi tiết", ông viết. "Đoạn 36 của thoả thuận, trong đó nêu chi tiết cơ chế giải quyết tranh chấp và cũng cho phép một bên ngừng tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận nếu một bên khác không tuân thủ, là ví dụ điển hình cho tư duy này".
"Hiện tại, chúng tôi đang lựa chọn điều khoản đó trong JCPOA, điều có thể ngăn chặn thỏa thuận sụp đổ hoàn toàn", ông Zarif cho biết, nhắc lại việc Mỹ đơn phương rời khỏi thoả thuận với cáo buộc Iran đã vi phạm các điều khoản.
Ông khẳng định mối nguy hiểm đối với thoả thuận hiện nay là sự ra đi đơn phương của Mỹ và chính sách áp lực tối đa sau đó với Tehran, nhưng cũng nhấn mạnh bảo vệ JCPOA là phương án tốt nhất cho mọi tình huống.
JCPOA hay còn gọi là Thoả thuận hạt nhân, được đàm phán vào năm 2015, dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thoả thuận được ký bởi Mỹ, ba nước EU cùng Nga, Trung Quốc và Iran. Theo thỏa thuận, Washington sẽ loại bỏ một số lệnh trừng phạt Teheran để đổi lấy việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân của mình.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận, nhưng tất cả các bên còn lại vẫn cam kết duy trì. Tuy nhiên, việc EU không cung cấp cho Iran cơ chế thương mại tự do khả thi khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ, đã khiến quốc gia này đe dọa sẽ đình chỉ các cam kết đối với JCPOA vào ngày 7/7.
Ngọc Ánh (Theo Sputnik)