Sau khi Trump đăng liên tục hơn ba chục dòng tweet trong 4 ngày, trang mạng xã hội của ông yên ắng lạ thường vào tối 25/12. Ngày 26/12, không có lịch trình nào của ông được công bố. Không có lính thủy đánh bộ mặc quân phục đứng ngoài Cánh Tây, vốn là một tín hiệu cho thấy tổng thống đang ở trong Phòng Bầu dục. Các quan chức Nhà Trắng giữ im lặng. Không lâu sau đó, những người theo dõi máy bay nghiệp dư phát hiện một chiếc Boeing VC-25 - máy bay quân sự đóng vai trò là chuyên cơ Air Force One của tổng thống Mỹ, bay qua châu Âu nhờ ứng dụng quan sát hành trình.
Đây không phải là lần đầu tiên có lời đồn rằng Trump bay đến vùng chiến sự. Nhưng việc theo dõi thời gian thực chuyến bay của Trump, kết hợp với sự biến mất của ông trên mạng xã hội là lời gợi ý mạnh mẽ nhất rằng ông cuối cùng cũng thực hiện chuyến đi. Chiếc Air Force One chở Trump cùng phu nhân, một nhóm nhỏ phụ tá, mật vụ và các phóng viên ngày 26/12 hạ cánh xuống căn cứ không quân Al Asad, phía tây Baghdad, đánh dấu lần đầu tiên ông thăm lực lượng Mỹ tại vùng chiến sự từ khi nhậm chức.
Các chính quyền tiền nhiệm đã thực hiện các biện pháp gắt gao để giữ bí mật các chuyến đi như vậy, lo sợ về rủi ro an ninh nếu họ công khai. Các nhà báo tháp tùng phải tuân hành lệnh cấm hé lộ thông tin cho đến thời điểm được xác định là không còn rủi ro đối với tổng thống. Thông thường, các phóng viên chỉ được phép nói với bạn đời và một biên tập viên rằng họ đang trên đường đến vùng chiến.
Tuy nhiên, thời của những chuyến bay bí mật dường như đang đi đến hồi kết. Mặc dù Nhà Trắng ngăn các hãng tin lớn đăng bài về chuyến đi trước khi họ phát thông báo chính thức, họ không thể ngăn chặn những đồn đoán trên mạng.
Cộng đồng những người theo dõi chuyến bay cho rằng Trump đã cất cánh từ căn cứ Andrew vào đêm Giáng sinh. Máy bay không sử dụng mã hiệu Air Force One thường dùng mà mang mã RCH58. RCH là đầu mã thường được sử dụng bởi các máy bay vận tải quân sự.
Chính Trump cũng làm phức tạp thêm nỗ lực giữ bí mật. Ông đã ám chỉ về một chuyến đi tới khu vực chiến tranh trong nhiều tuần.
"Không, tôi sẽ đến vùng chiến sự", Trump trả phóng viên hồi tháng trước khi được hỏi liệu ông có sợ thực hiện một chuyến đi như vậy không. Ông cũng nói với Washington Post trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 rằng ông sẽ đi "vào thời điểm thích hợp".
Theo một quan chức Nhà Trắng, chính quyền Trump đã lên kế hoạch cho chuyến đi trong hơn 6 tuần. Khi trả lời các nhà báo tháp tùng ông ở Iraq, Tổng thống thể hiện rằng ông cảm thấy mệt mỏi với tính bí mật của chuyến đi. Ông cho biết chính quyền từng lên các kế hoạch nhưng phải hủy bỏ vì thông tin bị rò rỉ.
Trump sau đó mô tả biện pháp an ninh mà Air Force One thực hiện khi hạ cánh ở vùng chiến sự: "Tất cả cửa sổ máy bay đóng kín, đèn tắt, tối đen như mực".
Trong nhiều tuần, các nhà báo chuyên đưa tin về Nhà Trắng đã đứng ngồi không yên trước khả năng Trump bí mật tới Iraq hoặc Afghanistan. Từng có tin đồn rằng Trump đã đến vùng chiến sự thay vì đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn mà không cho phóng viên tháp tùng. Cũng có đồn đại rằng Tổng thống bí mật dừng chân ở Iraq hoặc Afghanistan khi bay về Mỹ sau khi dự G20 ở Argentina. Tất cả tin đồn này cuối cùng đều không chính xác.
Mặc dù có nhiều đồn đoán, các chi tiết cụ thể của chuyến đi Iraq vẫn được giữ kín. Lịch trình không được liệt kê trong nhật ký đi lại chính thức của Nhà Trắng, nhưng chiều 26/12, các trợ lý ở Cánh Tây được thông báo rằng Tổng thống đang trên đường đến một điểm không xác định và sẽ không trở lại Washington cho đến ngày 28/12.
Những người chuyên lên kế hoạch cho tổng thống Mỹ đã cố gắng ngăn rò rỉ thông tin trong nhiều năm. Trước chuyến đi bất ngờ năm 2012 của Tổng thống Barack Obama tới Afghanistan, Nhà Trắng công bố lịch trình giả rằng ông có các cuộc họp ở Cánh Tây. Nhưng điều đó đã không ngăn cản một trang tin Afghanistan thông báo rằng Obama đã đến Kabul.
Nhà Trắng và Đại sứ quán Mỹ ở nước này cố gắng "phong tỏa" thông tin, phủ nhận rằng Obama đang ở Afghanistan. Các hãng tin Mỹ đã dẫn lại thông tin từ truyền thông Afghanistan đồng ý rút tin cho đến khi Nhà Trắng có thông báo chính thức.
Tổng biên tập BuzzFeed, Ben Smith, người đã chia sẻ tin đồn, còn đồng ý đăng lời bác bỏ của Nhà Trắng trên Twitter.
"Giống như hầu hết các hãng tin, chúng tôi thường làm theo yêu cầu của Nhà Trắng vì các rủi ro bảo mật thực sự", ông giải thích sau khi mọi chuyện được công bố. "Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng sẽ ngày càng khó để giấu những thông tin như thế này".