Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 20/6 bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Mỹ bị cáo buộc xâm phạm không phận nước này. Washington sau đó khẳng định chiếc UAV MQ-4C Triton bị trúng tên lửa phòng không Iran khi hoạt động trên vùng trời quốc tế thuộc eo biển Hormuz. Giới phân tích quốc tế cho rằng sự cố này cho thấy Hormuz có thể là ngòi nổ làm bùng phát xung đột Mỹ - Iran từ những sự cố bất ngờ.
Trong 40 năm qua, Iran luôn hiểu rằng họ không đủ khả năng để đối đầu trực diện với lực lượng quân sự hùng hậu của Mỹ. Điều này thúc đẩy Tehran tìm cách hoàn thiện chiến lược phi đối xứng để đối phó với Washington, cũng như tăng khả năng kiểm soát và phong tỏa tuyến đường biển qua khu vực.
Eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman là thành phần quan trọng trong chiến lược đối phó với Mỹ của Iran. Đây là tuyến hàng hải duy nhất kết nối các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới như Kuwait, Bahrain, Iran, Iraq và Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) với Ấn Độ Dương, cũng là tuyến đường chở phần lớn khí thiên nhiên hóa lỏng từ Qatar.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) gọi Hormuz là "yết hầu tồi tệ nhất thế giới", đánh giá nó quan trọng hơn cả eo biển Malacca ở Đông Nam Á và kênh đào Suez tại Ai Cập. Trong năm 2016, khoảng 18,5 triệu thùng dầu thô được vận chuyển qua eo biển Hormuz mỗi ngày, so với mức 16 triệu thùng ở eo biển Malacca và 5 triệu thùng qua kênh đào Suez.
Do nền kinh tế toàn cầu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung dầu mỏ, việc Iran phong tỏa eo biển Hormuz dù chỉ trong thời gian ngắn cũng có thể làm giá dầu thế giới tăng đáng kể, đồng thời khiến nền kinh tế toàn cầu chịu hậu quả nghiêm trọng. Các nước Trung Đông vẫn có những tuyến vận chuyển dầu dự phòng, nhưng chúng khó lòng thay thế hoàn toàn các đoàn tàu chở dầu qua Hormuz.
Điểm hẹp nhất của eo biển Hormuz chỉ rộng 34 km, còn tuyến vận tải đường biển qua đây chỉ rộng 3 km ở cả hai chiều. Điều này cho phép Iran dễ dàng kiểm soát và phong tỏa khu vực, nhất là khi nước này sở hữu nhiều vũ khí có tầm bắn lớn và độ chính xác cao.
Trong Chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988), hai bên đều tìm cách phong tỏa nhau bằng cách nhằm vào tuyến hàng hải dân sự, khiến nhiều tàu hàng bị đánh chìm hoặc hư hỏng nặng.
Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều hậu thuẫn Iraq trong cuộc chiến này. Mỹ đã tiến hành chiến dịch hộ tống đường biển lớn nhất từ sau Thế chiến II để bảo vệ tàu hàng di chuyển trong khu vực. Khi tàu hộ vệ tên lửa USS Samuel B. Roberts trúng thủy lôi Iran và suýt chìm năm 1988, Washington đã phát động chiến dịch Praying Mantis, hủy diệt một nửa hạm đội hải quân Tehran chỉ trong một ngày.
Các vụ tấn công liên tiếp nhắm vào tàu dầu ở vịnh Oman và vịnh Ba Tư trong một tháng qua làm dấy lên lo ngại xung đột Mỹ - Iran sẽ bùng phát như cách đây hơn 30 năm, nhất là khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cáo buộc Tehran đứng sau các vụ tấn công và để ngỏ khả năng dùng biện pháp quân sự.
Để bác bỏ cáo buộc của Mỹ, Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Baqeri hôm 17/6 khẳng định nước này đủ sức công khai phong tỏa hoàn toàn eo biển Hormuz mà không cần thực hiện những vụ tấn công nhằm vào tàu dầu.
Giới phân tích cho rằng những tuyên bố của Tehran chỉ nhằm mục đích răn đe Washington và đồng minh, do nước này không sẵn lòng phong tỏa eo biển Hormuz. Một phần eo biển này thuộc lãnh hải của Oman và UAE, khiến Iran không có đủ cơ sở pháp lý để đơn phương đóng cửa vùng biển chiến lược.
Nếu áp dụng biện pháp quân sự, Tehran đủ sức đánh chìm phần lớn tàu hàng đi qua Hormuz. Dù vậy, hành động này sẽ khiến cộng đồng quốc tế lên án, đồng thời tạo cớ cho Mỹ và đồng minh mở chiến dịch quân sự nhằm vào Iran, điều mà cả Tehran và Washington đều không mong xảy ra.
Duy Sơn (Theo Telegraph)