"Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ quan ngại sâu sắc của Mỹ và các đồng minh châu Âu về tình trạng Nga leo thang lực lượng xung quanh Ukraine", Nhà Trắng cho biết trong thông cáo hôm 7/12, sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến kéo dài hai giờ giữa Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Theo thông cáo, Biden "đã nói rõ rằng Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả bằng những đòn kinh tế mạnh mẽ và biện pháp khác trong trường hợp tình hình quân sự leo thang", đồng thời "kêu gọi giảm căng thẳng và quay về con đường ngoại giao".
Đề cập đến cuộc hội đàm, Điện Kremlin cho biết Putin cáo buộc NATO là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng tại Ukraine, đề nghị "đảm bảo pháp lý" nhằm ngăn liên minh quân sự phương Tây mở rộng lực lượng đến gần Nga hơn.
"Nga thực sự quan tâm đến những đảm bảo pháp lý đáng tin cậy giúp loại trừ kịch bản NATO mở rộng về phía đông, cũng như khả năng triển khai vũ khí tấn công ở những quốc gia tiếp giáp với Nga", Điện Kremlin cho hay.
Mặc dù khả năng Ukraine gia nhập NATO còn xa vời, Mỹ và liên minh này cho rằng Nga không thể bác bỏ tham vọng nghiêng về phương Tây của Ukraine. Trong cuộc họp báo sau sự kiện, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Biden không cam kết với Putin về yêu cầu ngăn Ukraine gia nhập NATO hay giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
"Tôi sẽ không nêu chi tiết những vấn đề họ đã thảo luận, nhưng sẽ nói rõ ràng và trực tiếp với mọi người rằng Tổng thống không đưa ra cam kết hay nhượng bộ nào như vậy", Sullivan cho hay.
Cuộc họp thượng đỉnh giữa Biden và Putin được coi là cơ hội quan trọng để xoa dịu căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine, nơi Nga bị cáo buộc tập trung khoảng 100.000 quân và khí tài, với "kế hoạch tiến đánh Ukraine". Tuy nhiên, Moskva mô tả những cáo buộc này là "cuồng loạn".
"Quân đội Nga đang ở trên lãnh thổ của mình và không đe dọa ai", Yury Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Putin, trả lời báo giới sau cuộc họp thượng đỉnh.
Thay vào đó, Putin cho biết ông coi quan hệ ngày càng gắn bó của Ukraine với phương Tây là mối đe dọa an ninh Nga, thêm rằng bất cứ động thái nào của Ukraine nhằm gia nhập NATO hoặc triển khai tên lửa của NATO trên lãnh thổ là không thể chấp nhận.
"Thật khó trông đợi vào bất kỳ đột phá bất ngờ nào, nhưng hai tổng thống đã thể hiện sẵn sàng tiếp tục những công việc thiết thực, cũng như bắt đầu thảo luận về các vấn đề nhạy cảm khiến Moskva thực sự lo ngại", Ushakov cho hay, nói thêm rằng hai lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực bình thường hóa quan hệ căng thẳng giữa hai nước, đồng thời tiếp tục hợp tác trong những vấn đề các bên cùng quan tâm như an ninh mạng.
Ánh Ngọc (Theo AFP)