Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tối nay sẽ cùng nhau thảo luận "các vấn đề toàn diện" trong cuộc họp trực tuyến được dự kiến kéo dài nhiều giờ, Nhà Trắng và Điện Kemlin cho biết. Động thái này diễn ra khi mối quan hệ Mỹ - Nga hiện ở mức thấp chưa từng có và căng thẳng giữa hai nước đang leo thang, đặc biệt vì vấn đề Ukraine.
Nhà Trắng từng cảnh báo Moskva sẽ phải chịu "những hậu quả nghiêm trọng", ngụ ý về những biện pháp trừng phạt sẽ cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, nếu nước này theo đuổi hành động quân sự chống lại Ukraine. Quan chức Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa Mỹ sẽ điều thêm quân tới Đông Âu nếu Nga tiến đánh Ukraine, cáo buộc mà Moskva luôn bác bỏ.
Mỹ và Ukraine gần đây cáo buộc Nga tập trung khoảng 100.000 quân và nhiều khí tài hạng nặng gần biên giới phía tây, cho rằng nước này "đang lên kế hoạch tiến đánh Ukraine". Kiev còn cho rằng Moskva sẽ đưa quân qua biên giới vào đầu năm sau.
Nga phủ nhận thông tin lên kế hoạch tấn công Ukraine và cáo buộc phương Tây có hành động khiêu khích, đặc biệt với các cuộc tập trận quân sự của các thành viên NATO ở Biển Đen, nơi Moskva coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của nước này.
Tổng thống Putin nhiều lần yêu cầu NATO đưa ra cam kết mang tính ràng buộc pháp lý rằng họ sẽ không mở rộng hiện diện về phía đông, kết nạp Ukraine làm thành viên hoặc đặt các hệ thống vũ khí tiến công quá gần lãnh thổ Nga. Putin cảnh báo đây là "lằn ranh đỏ" với Nga và nếu NATO vượt qua lằn ranh này, Moskva sẽ hành động.
Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Stockholm, Thụy Điển, hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông không muốn suy đoán liệu "phương Tây có từ chối cân nhắc" các đề xuất từ Moskva hay không.
"Tôi nghĩ tất cả mọi người đều đã hiểu những điều Tổng thống Putin muốn và nhận thức được rằng những đề xuất đó là nghiêm túc", ông nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden hồi cuối tuần trước khẳng định ông "sẽ không chấp nhận lằn ranh đỏ của bất kỳ ai".
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, trong thượng đỉnh trực tuyến tối nay, Tổng thống Biden dự định làm rõ với Tổng thống Putin về những hành động mà Mỹ và đồng minh sẽ thực hiện nếu Nga đưa quân vào Ukraine, nhưng đồng thời cũng mở ra một con đường ngoại giao giúp giải quyết mối lo ngại của các bên.
Tuy nhiên, quan chức này nhận định Biden nhiều khả năng sẽ không đưa ra bất cứ đảm bảo nào với Putin về yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine, bởi Mỹ lâu nay vẫn giữ quan điểm rằng mọi quốc gia đều có quyền tự quyết về an ninh của mình.
"Chúng tôi không nghĩ bàn về các lằn ranh đỏ là hữu ích và như Tổng thống đã nói, chúng tôi sẽ không chấp nhận lằn ranh đỏ của bất cứ ai", quan chức này nhấn mạnh.
Ông tiết lộ Washington đã thống nhất được với các đồng minh châu Âu về những biện pháp để gây ra "tổn hại kinh tế nghiêm trọng và đáng kể" lên Nga nếu Tổng thống Putin có hành động quân sự với Ukraine, song từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Chính quyền Biden đang "lên kế hoạch thận trọng" về những gì Mỹ sẽ làm trong trường hợp kịch bản leo thang như vậy xảy ra nhằm đảm bảo an ninh cho các đồng minh NATO. Tuy nhiên, ông lưu ý Mỹ sẽ không xem xét gửi binh sĩ tới Ukraine.
Trả lời báo giới hôm 6/12, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang theo dõi sát những diễn biến dọc biên giới Ukraine, song nhấn mạnh Washington vẫn ưu tiên các biện pháp ngoại giao hơn.
"Không có lý do gì để việc này kết thúc bằng một cuộc xung đột hay hành vi xâm phạm nào đó", ông nói.
Theo Tatiana Stanovaya, người đứng đầu viện nghiên cứu R. Politik, quyết định của Tổng thống Putin hội đàm trực tuyến với Tổng thống Biden giữa lúc căng thẳng với phương Tây dâng cao cho thấy ông coi ông chủ Nhà Trắng là người "người sẵn sàng thảo luận nghiêm túc về những mối lo ngại của Nga".
Lần gần đây nhất hai lãnh đạo gặp nhau là vào tháng 6 tại Geneva, Thụy Sĩ. Dù cuộc gặp thượng đỉnh này tạo ra ít đột phá, nó vẫn góp phần thúc đẩy Nhà Trắng và Điện Kremlin trao đổi thông tin nhiều hơn.
Hội nghị ở Geneva cũng diễn ra trong bối cảnh quân đội Nga trước đó đã tăng cường hiện diện quân sự gần Ukraine, dù sau đó Nga rút một phần lực lượng về. Giới phân tích lúc bấy giờ đánh giá hành động phô diễn sức mạnh này chủ yếu nhằm thăm dò mức độ ủng hộ của chính quyền Biden với Ukraine.
Đợt điều động quân mới nhất của Nga khiến phương Tây lo ngại hơn. Theo các quan chức Mỹ và một tài liệu tình báo do Washington Post thu được, tình báo Mỹ dự đoán Nga có thể lên kế hoạch cho một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine trong đầu năm sau với 175.000 quân tham gia.
Fyodor Lukyanov, chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại, nhận định ngoài căng thẳng Ukraine, một số vấn đề khác có thể được hai lãnh đạo thảo luận như kiểm soát vũ khí hạt nhân, an ninh mạng, tình hình Syria, Afghanistan hay Triều Tiên.
Cả Nhà Trắng và Điện Kremlin đều cố gắng hạ thấp kỳ vọng về cuộc đối thoại, ngụ ý rằng họ không mong đợi bất kỳ đột phá nào về Ukraine hay các vấn đề khác đang được thảo luận.
"Tất cả các cuộc thảo luận hiện nay đều diễn ra theo kiểu Chiến tranh Lạnh, nghĩa là chúng ta sẽ không giải quyết các vấn đề cùng nhau, điều duy nhất chúng ta làm là xoa dịu căng thẳng khi chúng leo thang", Lukyanov ngày 6/12 nói với hãng thông tấn AP.
Vũ Hoàng (Theo AP, Reuters, Washington Post)