Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai lãnh đạo tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay ông cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Moskva đã không hành động chống lại những tin tặc tống tiền các chính phủ, công ty và tổ chức phương Tây hàng trăm triệu USD từ trong lãnh thổ Nga.
"Tôi nói với ông ấy rằng chúng tôi có năng lực tác chiến mạng rất mạnh, ông ấy thừa biết điều đó", Biden nói. "Nếu họ vi phạm quy tắc cơ bản, chúng tôi sẽ đáp trả".
Trong cuộc họp báo riêng sau hơn ba tiếng hội đàm với Biden, Tổng thống Nga bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Mỹ, nhấn mạnh chính Mỹ đứng sau số lượng lớn các cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, ông thừa nhận vấn đề này "cực kỳ quan trọng" và cho biết hai bên đã thống nhất sẽ tổ chức các cuộc tham vấn về vấn đề này.
"Chúng ta cần bỏ qua mọi lời bóng gió, ngồi xuống ở cấp độ chuyên gia và bắt đầu làm việc vì lợi ích của Nga và Mỹ", Putin bày tỏ.
Giới chuyên gia nói rằng Nga và các nước láng giềng đang trở thành trung tâm của cái gọi là "dịch vụ tấn công bằng mã độc", trong đó các nhóm khác nhau cùng hợp tác để tấn công mục tiêu, hứa hẹn sẽ mở lại hệ thống máy tính đã bị khóa sau khi đối phương trả tiền.
Nạn nhân tại Mỹ bao gồm bệnh viện, trường học, sở cảnh sát, nhiều doanh nghiệp. Giới chức Washington không tin chính phủ Nga liên quan trực tiếp, nhưng cho rằng họ đang dung túng những tin tặc đáng lẽ phải bị bắt giữ.
"Có rất nhiều hoạt động tấn công bằng mã độc đến từ bên trong lãnh thổ Nga, dù không phải do quan chức chính phủ tiến hành, nhưng đang được chính phủ Nga cho phép", trợ lý bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers phát biểu trong hội nghị do nhóm truyền thông Cyberscoop tổ chức hôm 16/6.
"Họ không chỉ dung túng, mà còn tích cực ngáng đường cơ quan thực thi pháp luật Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công kiểu này", Demers nói.
Chủ đề được thảo luận tại hội nghị Geneva sau khi tin tặc ở Nga chiếm đoạt mạng lưới máy tính của Colonial Pipeline, công ty đường ống phân phối dầu lớn của Mỹ hôm 7/5 và đòi hàng triệu USD tiền chuộc.
Vài tuần sau, một nhóm khác tại Nga cũng làm điều tương tự với JBS, một trong những công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới. JBS đã phải trả 11 triệu USD bằng bitcoin để lấy lại quyền kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin của mình.
Cả hai vụ tấn công đều gây ảnh hưởng kinh tế lớn ở Mỹ. Colonial buộc phải đóng cửa hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu, khiến giá khí đốt tăng cao, còn giá thịt bò cũng tăng do JBS phải cắt giảm sản lượng.
Biden bị chỉ trích vì không thực hiện bất kỳ hành động rõ ràng nào để trả đũa. Sở Tác chiến Mạng của quân đội Mỹ từ chối công khai bất kỳ hành động nào đã thực hiện để chống lại kẻ tấn công.
Tổng thống Mỹ cho biết đã chuyển tới Tổng thống Nga danh sách 16 lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng như năng lượng và nước "không được là mục tiêu tấn công mạng), vạch ra lằn ranh đỏ cho Moksva.
"Tôi nhìn ông ấy và nói, 'Ông cảm thấy thế nào nếu mã độc xâm nhập vào đường ống dẫn tại mỏ dầu trên đất nước mình?' Ông ấy nói điều đó rất nghiêm trọng", Biden cho hay.
"Quốc gia có trách nhiệm cần chống lại tội phạm đang thực hiện các cuộc tấn công mã độc trên lãnh thổ của mình", Biden nói. "Họ có hành động hay không? Chúng ta hãy chờ xem".
Hồng Hạnh (Theo AFP)