Cảnh sát Hong Kong hồi đầu tuần xác nhận một số nghi phạm bị bắt trong vụ hành hung dân thường, người biểu tình ở ga Yuen Long tối 21/7 có liên hệ với Hội Tam Hoàng, tổ chức xã hội đen khét tiếng từng gieo rắc kinh hoàng ở Hong Kong.
Khoảng 100 tên côn đồ mặc áo trắng, mang theo gậy gộc đã gây náo loạn nhà ga Yuen Long cuối tuần trước, khi thẳng tay đánh đập người biểu tình trên đường trở về nhà, khiến hàng chục người nhập viện.
Thông tin về vụ tấn công thổi bùng sự giận dữ ở Hong Kong, nhưng vai trò của các thành viên Hội Tam Hoàng cũng khuấy động nỗi sợ hãi của người dân thành phố. Đường phố Yuen Long tối 22/7 vắng hoe, cửa tiệm đóng hàng sớm, người dân ở yên trong nhà vì sợ bị đánh. Cảnh sát đã bắt 11 người liên quan tới vụ tấn công và một số kẻ có quan hệ với hai nhóm Hội Tam Hoàng ở 14K và Hòa Thắng Hòa.
Đây là hai trong số ba nhóm Hội Tam Hoàng hoạt động mạnh ở Hong Kong. Hội Tam Hoàng bắt nguồn từ thế kỷ 17 ở Trung Quốc, khi tổ chức Hồng Môn liên kết với hai nhóm giang hồ khác là Thiên Địa Hội và Thanh Bang để cùng thực hiện kế hoạch "phản Thanh, phục Minh" (lật đổ nhà Thanh, khôi phục triều đại nhà Minh).
Sau khi nhà Thanh sụp đổ, Quốc dân đảng lên cầm quyền và sử dụng các băng nhóm tội phạm Trung Quốc để tấn công kẻ thù chính trị. Quốc dân đảng từng sử dụng nhóm Thanh Bang để đàn áp và tàn sát hàng nghìn người ở Thượng Hải năm 1927.
Sau khi Trung Quốc giành độc lập năm 1949, nhiều nhóm xã hội đen đã chạy sang Hong Kong, Macau, Đài Loan và nước ngoài. Hong Kong khi đó trở thành căn cứ hoạt động của Hội Tam Hoàng, theo hai chuyên gia về tội phạm có tổ chức T. Wing Lo và Sharon Ingrid Kwok.
Trong các băng phái con của Hội Tam Hoàng, có 4 băng đảng lớn nhất được gọi là "Tứ đại hắc bang", gồm Tân Nghĩa An, 14K, Hòa Hợp Đào và Hòa Thắng Hòa. Trong đó, Tân Nghĩa An là bang lớn nhất với 55.000 thành viên trên toàn thế giới. Ngoài địa bàn hoạt động chủ yếu tại Hong Kong, Macau, Đài Loan, Hội Tam Hoàng còn có "chân rết" ở một số nơi khác như Trung Quốc đại lục, các phố Tàu ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Phi, Australia và New Zealand.
Vào thập niên 1960, có khoảng 60 nhóm xã hội đen hoạt động ở Hong Kong và cảnh sát ước tính cứ 6 người dân ở khu vực này lại có một người là thành viên Hội Tam Hoàng.
Các nhóm này kiếm tiền từ buôn bán ma túy, lừa đảo, tống tiền, rửa tiền, cờ bạc và mại dâm. Chúng cũng thường xuyên tìm cách đe dọa các thương nhân, công nhân Hong Kong để buộc họ nộp tiền.
Bạo lực giữa các băng nhóm xảy ra thường xuyên. Khi gia nhập một nhóm nào, thành viên mới phải đọc "36 lời thề", trong đó có việc đánh tháo đồng bọn nếu vô tình bị cảnh sát bắt. Nếu không thực hiện lời thề này, thành viên băng đảng sẽ bị "trời tru đất diệt".
Từ thập niên 1950 đến 1970, khu Cửu Long Trại Thành với 30.000 dân là địa bàn hoạt động của nhóm Tân Nghĩa An và 14K. Đến năm 1987, toàn quyền Anh ở Hong Kong quyết định phá dỡ khu "xóm liều" này và biến nó thành Công viên Cửu Long Trại Thành.
Trong thời gian dài, cảnh sát Hong Kong bị cáo buộc thông đồng với Hội Tam Hoàng và cấu kết thực hiện các hoạt động làm ăn mờ ám. Peter Fitzroy Godber, cảnh sát trưởng Hong Kong, từng khiến công chúng giận dữ khi bị phát hiện có hàng trăm nghìn USD trong tài khoản ở nước ngoài ngay trước khi ông này nghỉ hưu năm 1973.
Trước sự phẫn nộ của dư luận, Godber trốn về Anh, nhưng bị bắt và đưa trở lại Hong Kong vào năm 1974. Ông này lĩnh án 4 nằm tù vì tội tham nhũng và nhận hối lộ.
Sau vụ này, chính quyền Hong Kong đã cải cách mạnh mẽ và tới nay, thường xuyên được xếp hạng cao về chỉ số chống tham nhũng. Họ lập một đơn vị chuyên trách trấn áp Hội Tam Hoàng có tên gọi Cục Tội phạm có tổ chức và Hội Tam Hoàng.
Năm 2013, cảnh sát Hong Kong mở một chiến dịch đàn áp lớn tội phạm có tổ chức, bắt hơn 1.800 người, thu giữ số lượng lớn ma túy, tài liệu khiêu dâm, vũ khí có giá trị 5 triệu USD. Những kẻ bị bắt từ 12 tới 95 tuổi, bị buộc nhiều tội như đánh bạc, rửa tiền trái phép.
Dù bị trấn áp mạnh tay, các băng nhóm xã hội đen ở Hong Kong vẫn tiếp tục thực hiện nhiều vụ giết người gây chấn động dư luận. Kevin Lau, cựu tổng biên tập Ming Pao, một tờ báo nổi tiếng Hong Kong, bị thương nặng năm 2014 sau vụ tấn công bằng dao.
Đầu tháng 5/2016, trước chuyến thăm của Trương Đức Giang, khi đó là Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc khóa XII, tương đương Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, cảnh sát Hong Kong đã phát động chiến dịch đàn áp các nhóm Hội Tam Hoàng với mục tiêu "chúng sẽ phải trả giá nếu gây bất kỳ rắc rối nào" trong chuyến thăm của ông Trương.
Hàng trăm cảnh sát được triển khai ở các điểm giải trí nhằm truy quét các hoạt động phi pháp và bắt những kẻ tình nghi theo danh sách 100 người mà cảnh sát ngầm thu thập được hơn một năm trước.
Cuối 2018, cảnh sát Hong Kong treo thưởng 51.000 USD truy lùng hai thành viên Hội Tam Hoàng bị nghi ngờ đánh chết người ở bãi đỗ xe. Kwok Yau-man, 47 tuổi và Lau Ho-yin, 42 tuổi, đang bị truy nã vì giết một người đàn ông 35 tuổi ở Cửu Long vào tháng 12/2016.
Trong các cuộc biểu tình của phong trào Dù vàng năm 2014, một nhóm người, trong đó một số kẻ được cho là có quan hệ với Hội Tam Hoàng, đã tấn công người biểu tình ở Cửu Long.
Theo T. Wing Lo, trong vụ tấn công người biểu tình Hong Kong tối 21/7, Hội Tam Hoàng nhiều khả năng đã nhận tiền và kích động người dân khu vực nông thôn. Ông cho rằng số tiền các phần tử xã hội đen được trả cho vụ tấn công này có thể lên tới 1,28 triệu USD, nhưng hiện chưa rõ bên chi tiền là ai.
"Hội Tam Hoàng không hoạt động vì lý tưởng chính trị, mà vì tiền. Chúng sẽ làm việc cho bất kỳ người nào trả tiền", Lo nói.
Hồng Hạnh (Theo SCMP/New York Times)