"Hải quân Trung Quốc (PLAN) cần ít nhất 5 hàng không mẫu hạm để thực hiện những thay đổi chiến lược khi chuyển trọng tâm từ 'phòng thủ duyên hải' sang 'phòng vệ đại dương'", chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Bắc Kinh tuyên bố trong cuộc thảo luận gần đây về thông báo khởi đóng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, Global Times ngày 5/12 đưa tin.
Theo Song, hai tàu sân bay đầu tiên của Bắc Kinh Liêu Ninh và Type 001A hiện vẫn sử dụng phương pháp cất cánh kiểu nhảy cầu truyền thống, nên chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển gần bờ. Chiếc thứ ba Type 002 vừa được khởi đóng nhiều khả năng được trang bị máy phóng điện từ và có thể triển khai ở vùng biển xa hơn.
Chuyên gia hàng hải Wang Yunfei thì cho rằng PLAN cần có 6 tàu sân bay nhằm đảm bảo có đủ lực lượng hiện diện liên tục trên biển khi các tàu khác phải nằm bờ để bảo dưỡng.
Wang dự đoán Trung Quốc sẽ đóng thêm ba tàu sân bay, trong đó chiếc thứ tư chạy bằng động cơ thông thường và hai chiếc tiếp theo sử dụng động cơ hạt nhân. Mục tiêu sở hữu 6 tàu sân bay nhiều khả năng sẽ được hoàn thành trong giai đoạn 2030-2035.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa tiết lộ thông tin cụ thể nào về việc đóng thêm các tàu sân bay mới. Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Nhậm Quốc Cường hồi tháng 11 tuyên bố việc phát triển tàu sân bay phải dựa vào kế hoạch quân sự tổng thể và tiềm lực quốc gia.
Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế cho rằng mơ ước về hạm đội 5-6 tàu sân bay của các chuyên gia Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gặp trở ngại lớn và khó thành hiện thực trong tương lai gần do những trở ngại về kinh tế và công nghệ.
Một số nguồn tin của tờ SCMP gần đây tiết lộ dự án đóng tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc đang bị chững lại do thiếu ngân sách, hậu quả của những tác động từ chiến tranh thương mại với Mỹ và hoạt động cải tổ quân đội nước này. Chi phí cho chương trình phát triển tiêm kích hạm J-15 bị đội lên đáng kể cũng cản trở tham vọng tàu sân bay Trung Quốc.