Các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu Mỹ tiếp tục bảo vệ quyết định của Tổng thống Trump khi ra lệnh không kích giết chết thiếu tướng Iran Qasem Soleimani. Tuy nhiên, việc ông không thể cung cấp bằng chứng cho thấy Soleimani là mối đe dọa tiềm tàng đang gây hoài nghi trong công chúng.
Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo và các quan chức quân sự hàng đầu cùng đưa ra lời giải thích giống nhau khi nhắm mục tiêu Soleimani. Theo Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, Soleimani lên kế hoạch tiến hành "các chiến dịch bạo lực tàn khốc" nhằm vào Mỹ trong những ngày, tuần và tháng sắp tới.
"Chúng ta phải chuẩn bị, chúng ta phải sẵn sàng và chúng ta đã loại một kẻ xấu khỏi chiến trường", Ngoại trưởng Pompeo ngày 5/1 trả lời kênh CNN, né tránh câu hỏi về chi tiết các cuộc tấn công tiềm tàng từ Iran.
Nghi vấn vẫn không ngừng nảy sinh về thời điểm Mỹ phát động không kích và rằng liệu chính quyền đã tính đến hết mọi hệ quả từ cuộc tấn công.
Một nguồn tin am hiểu vấn đề từ đảng Cộng hòa thừa nhận trong quá khứ Tổng thống Trump thường "miễn cưỡng thực hiện hành động quân sự". Nhưng trong trường hợp Iran, việc một nhà thầu Mỹ bị giết và các cuộc biểu tình ở Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, Iraq, đã "vượt quá lằn ranh của ông".
Các cố vấn khẳng định nếu Tổng thống "không phản ứng, họ (Iran) sẽ tiếp tục vượt quá ranh giới".
"Tôi tin rằng Tổng thống không hề miễn cưỡng", nguồn tin nói và thêm rằng khi Trump cuối cùng đã sẵn sàng hành động, "không ai có thể ngăn cản".
CNN từng đưa tin nội bộ chính quyền Trump đã tranh luận về quyết định không kích và âm thầm chuẩn bị một cái cớ mang tính pháp lý trước thời điểm tiến hành chiến dịch tấn công.
Sau cuộc họp ngày 29/12 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, nơi Trump được đội ngũ an ninh quốc gia báo cáo về các lựa chọn liên quan đến Iran, nhiều quan chức đã tỏ ra ngạc nhiên khi ông chủ Nhà Trắng chọn tấn công Soleimani, theo một nguồn tin biết về cuộc họp.
Những quan chức họp cùng Trump gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Ngoại trưởng Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien và tướng Mark Milley.
Vài trợ lý hy vọng Trump đồng ý với một lựa chọn ít rủi ro hơn nhưng khi đã được báo cáo chi tiết về kế hoạch tấn công Soleimani, ông chỉ quan tâm tới lựa chọn này.
Kể từ đó, Mỹ cung cấp rất ít thông tin về những mối đe dọa cụ thể mà Soleimani mang lại cũng như nền tảng pháp lý cho quyết định tấn công. Bức tranh còn bị làm mờ đi bởi thông tin thiếu nhất quán từ các quan chức Mỹ.
Một nguồn tin tình báo giấu tên tiết lộ trước cuộc không kích, chính quyền nắm được thông tin về việc tên lửa đất đối không Iran cùng các vũ khí quân sự khác nằm trong vòng giám sát của Washington đang di chuyển về ít nhất hai căn cứ không quân Mỹ cùng Đại sứ quán Mỹ ở khu vực. Mặt khác, theo nguồn tin, Washington lúc bấy giờ còn được báo trước về các kế hoạch của Soleimani nhằm giết người Mỹ.
O'Brien hôm 3/1 nói rằng cuộc không kích được thực hiện dựa trên thông tin tình báo về cách thức di chuyển của Soleimani cùng thông tin về các cuộc tấn công mà tướng Iran đang lên kế hoạch thực hiện đối với các quân nhân và nhà ngoại giao Mỹ.
"Soleimani ở Iraq và di chuyển khắp Trung Đông. Ông ta vừa rời Damascus, nơi ông ta lên kế hoạch tấn công binh sĩ, lính không quân, hải quân và các nhà ngoại giao Mỹ. Vì thế, cuộc không kích này nhằm chặn đứng các cuộc tấn công sắp diễn ra do Soleimani lên kế hoạch và ngăn chặn những cuộc tấn công trong tương lai từ Iran, thông qua lực lượng ủy nhiệm của họ hoặc trực tiếp thông qua Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC)", O'Brien cho hay. "Như Tổng thống Trump nói hôm nay, hành động đó được thực hiện để ngăn chặn một cuộc chiến tranh, không phải khơi mào chiến tranh".
Khi được hỏi nguy cơ từ các mối đe dọa ở mức độ nào, tướng Milley trả lời rằng chúng "hoàn toàn chắc chắn" nhưng thời gian xảy ra các cuộc tấn công của Iran là trong những ngày hoặc những tuần sắp tới. Ông cũng cảnh báo nguy cơ chưa biến mất hẳn dù Soleimani đã bị giết.
Theo một quan chức cấp cao chính quyền Trump, Soleimani luôn nằm trong vòng giám sát thường xuyên của cộng đồng tình báo Mỹ và "nắm bắt tin tình báo về Soleimani là ưu tiên hàng đầu". Giới chức phản gián cũng liên tục theo dõi mọi chuyển động của Soleimani , thu thập thông tin về việc Soleimani gặp ai hay làm gì. Thực tế, địa điểm của Soleimani không được giữ kín như trùm khủng bố Osama bin Laden hay thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi. Điều này giúp cộng đồng tình báo đưa ra nhiều lựa chọn tấn công khác nhau.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp cho rằng thông tin mà chính quyền Trump công bố tuần trước không đủ để phác thảo nên bức tranh toàn cảnh, làm dấy lên câu hỏi liệu những cái cớ mà chính quyền đưa ra có đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý về mối đe dọa "nhãn tiền".
Một nguồn tin đảng Dân chủ nhận xét thông tin "hoàn toàn thiếu tính thuyết phục" và không thể giúp chứng minh về một mối đe dọa "tiềm tàng".
Trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 3/1, thượng nghị sĩ Dân chủ bang New Mexico Tom Udall cho biết ông không tin mối đe dọa về một cuộc tấn công nhằm vào Mỹ "cận kề" như lời Tổng thống Trump và các quan chức hàng đầu chính quyền nói.
"Nhân viên của tôi được đại diện từ nhiều cơ quan khác nhau trong chính phủ Mỹ báo cáo tình hình và họ ra về mà không cảm thấy có bằng chứng về một cuộc tấn công tiềm tàng", Udall nói và thêm rằng ông nghĩ Tổng thống Trump chỉ dùng "những cuộc tấn công tiềm tàng" làm cái cớ để phát động chiến dịch không kích giết tướng Soleimani.
Dù vậy, một quan chức quốc phòng Mỹ lập luận rằng mức độ "tiềm tàng" còn phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. "Chúng tôi tin Soleimani đang ở những bước cuối cùng" chuẩn bị ra lệnh tiến hành các cuộc tấn công khi ông ấy đến Beirut và Damascus vài ngày trước cuộc không kích, quan chức trên cho hay.
Trump khẳng định cuộc không kích nhằm "ngăn chặn một cuộc chiến tranh". Các quan chức chính quyền nói chiến dịch này sẽ giúp xuống thang căng thẳng.
Theo một nguồn tin am hiểu hoạt động trong chính quyền, những bình luận trên phần nào cho thấy ý định đằng sau cuộc tấn công là gì. Nhắm mục tiêu vào tướng Soleimani, không phải các tài sản của Iran, đây được coi như đòn phủ đầu nhằm ngăn chặn mọi kế hoạch tấn công các đại sứ quán hay căn cứ Mỹ. Nếu Iran tấn công một căn cứ hay đại sứ quán Mỹ, Washington sẽ có cớ để đáp trả quân sự một cách mạnh mẽ. Vậy nên, bằng cách giết Soleimani, chính quyền Trump mong muốn người Iran thay đổi hành vi.
Nhưng ý tưởng trên có thể phản bội lại mục tiêu thực sự của chính quyền là tái lập một biện pháp ngăn chặn Iran, bước đi mà các quan chức an ninh quốc gia lâu nay vẫn cho là cần thiết.
Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Maryland Chris Van Hollen cho rằng mọi thông tin mà chính quyền Trump cung cấp vẫn "không thể thay đổi quan điểm của tôi rằng không cần thiết phải làm leo thang tình hình ở Iraq và Iran".
"Tôi không nhận thêm được bất kỳ thông tin nào hỗ trợ cho tuyên bố của chính quyền rằng có một cuộc tấn công tiềm tàng vào người Mỹ", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo CNN)