Một hệ thống điều khiển tiên tiến được thiết kế để ngăn các phi cơ Boeing 737 Max 8 thất tốc trong khi bay mang tên Hệ thống Tăng cường Chức năng Điều khiển (MCAS) đang nằm trong vòng nghi vấn nghi sau vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines ngày 10/3 khiến 157 người thiệt mạng, theo Al Jazeera.
MCAS cũng được cho là có liên quan tới vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max 8 thuộc hãng hàng không Lion Air ở Indonesia hồi cuối tháng 10 năm ngoái khiến 189 người thiệt mạng.
Trong cả hai trường hợp, máy bay mới được sử dụng vài tháng và bị rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh. Dữ liệu theo dõi hành trình bay cho thấy cả hai phi cơ đều có những dấu hiệu bất thường như tăng và giảm độ cao đột ngột.
"Vấn đề lần này cũng giống với vụ tai nạn Lion Air, 'tốc độ máy bay bất ổn' và phi công gặp khó khăn trong việc điều khiển, cả hai đều yêu cầu quay trở về sân bay", Gerry Soejatman, nhà phân tích hàng không ở Indonesia, nhận xét.
MCAS, được giới thiệu trên mẫu 737 Max 8 từ tháng 5/2017, là giải pháp phần mềm của Boeing cho sự thay đổi trong thiết kế của dòng máy bay mới này, khi nó được trang bị động cơ lớn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Trong thiết kế của dòng Max 8, động cơ được lắp đặt nhô về phía trước và cao hơn ở trên cánh, làm thay đổi trọng tâm máy bay, dẫn tới việc mũi máy bay có xu hướng bị ngóc lên trong hành trình. Việc ngóc lên này có nguy cơ khiến máy bay rơi vào tình trạng thất tốc, không thể kiểm soát và rơi tự do.
Để khắc phục vấn đề trên, Boeing bổ sung hệ thống kiểm soát bay MCAS giúp tự động hạ thấp mũi máy bay xuống khi cảm biến phát tín hiệu cho thấy máy bay có nguy cơ thất tốc.
Các kỹ sư thiết kế để MCAS chỉ được kích hoạt khi cánh tà của máy bay đã được rút lại và phi cơ đã đạt đến độ cao cần thiết. Tuy nhiên, nhiều người suy đoán trong cả hai vụ tai nạn của Lion Air và Ethiopian Airlines, dựa trên hiện tượng lên xuống bất thường của máy bay, dường như phi công đã tìm cách để vô hiệu hóa hệ thống tự động này.
Cuộc điều tra ban đầu trong vụ tai nạn máy bay Lion Air cho thấy một cảm biến bị lỗi và cung cấp dữ liệu về góc tấn sai, khiến hệ thống MCAS tự động kích hoạt và phát tín hiệu điều khiển tới cánh đuôi ngang để máy bay chúc mũi xuống nhằm lấy lại thăng bằng. Các điều tra viên cho biết phi công đã cố gắng vô hiệu hóa hệ thống điều khiển tự động và can thiệp để nâng mũi máy bay lên, nhưng MCAS lại tự động can thiệp, khiến máy bay lao xuống biển ở tốc độ cao.
"Các máy bay mới đều gặp vấn đề. Nhưng chúng thường được xử lý trước khi bàn giao", Soejatman nói. "Hai vụ tai nạn, có thể cùng chung nguyên nhân, chắc chắn sẽ tạo nên những mối hoài nghi trong ngành hàng không".
Sau vụ rơi máy bay Lion Air hồi tháng 10/2018, một số báo cáo cho rằng phi công đã không được giải thích cụ thể về việc Boeing bổ sung tính năng MCAS trên phi cơ, khiến họ thao tác thiếu chính xác khi hệ thống kích hoạt.
Lúc bấy giờ, Boeing phủ nhận thông tin nói công ty "cố ý giữ kín" về hệ thống mới. Trang tin hàng không Air Current dẫn một bản ghi nhớ nội bộ của Boeing cho biết giám đốc điều hành Dennis Muilenburg đã nói với nhân viên rằng "những chức năng liên quan của MCAS được mô tả trong văn bản Hướng dẫn Vận hành Phi hành đoàn".
"Chúng tôi thường xuyên cập nhật với khách hàng về cách vận hành máy bay an toàn", Muilenburg nói trong bản ghi nhớ.
Tuy nhiên, theo một số báo cáo, các phi công điều khiển máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Southwest Airline, Mỹ, từng được bảo rằng họ có thể không bao giờ có thể nhìn thấy MCAS hoạt động bởi "nó chỉ được kích hoạt trong tình huống máy bay chịu tải trọng tương đối cao và gần thất tốc". Hệ thống được thiết kế để "hỗ trợ phi công lấy lại ổn định và phi công gần như không hay biết".
Air Current, dẫn một tài liệu gửi tới các phi công SouthWest Airlines, tiết lộ phi công còn được giải thích lý do "Boeing không thêm mô tả về MCAS vào bản Hướng dẫn Vận hành Phi hành đoàn".
Sau vụ rơi máy bay Lion Air, Boeing đã gia tăng nỗ lực nhằm giúp các phi công quen thuộc hơn với MCAS nhưng mối quan hệ giữa hai công ty đã trở nên tồi tệ. Lion Air dọa hủy đơn hàng trị giá hàng tỷ USD với Boeing.
Khi các nhà điều tra đến từ Boeing, Cục Điều tra Tai nạn Ethiopia và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ phân tích, đánh giá, sàng lọc những gì còn lại của chiếc máy bay Boeing 737 MAX thuộc hãng hàng không Ethiopian Airlines, trọng tâm giờ đây chuyển sang nguyên nhân dẫn tới tai nạn.
"Ít nhất thì vụ tai nạn cũng sẽ làm suy yếu chiến dịch bán hàng của Boeing 737 Max 8 từ nay đến khi cuộc điều tra hoàn tất", Soejatman nói.
Cổ phiếu của Boeing đã giảm gần 13% trong phiên giao dịch ngày 11/3 sau vụ tai nạn máy bay Ethiopian Airlines. Đây là cú giảm điểm tồi tệ nhất đối với Boeing kể từ phiên giao dịch ngày 17/9/2001. Thời điểm đó, các công ty hàng không đều chịu tình trạng giảm giá cổ phiếu vì ảnh hưởng từ vụ khủng bố 11/9.