Tàu chở dầu Kokuka Courageous treo cờ Panama, thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản và Front Altair mang cờ Quần đảo Marshal trong biên chế một công ty Na Uy bị tấn công, bốc cháy khi đang di chuyển trên Vịnh Oman hôm 13/6. Thủy thủ đoàn trên hai tàu đều được giải cứu an toàn, không gặp nguy hiểm tính mạng.
Cuộc tấn công xảy ra chỉ một tháng sau vụ 4 tàu hàng bị phá hoại ngoài khơi Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE). Mỹ và các đồng minh cho rằng Iran đứng sau cả hai vụ tấn công, trong khi Tehran bác bỏ mọi cáo buộc. Giới chuyên gia cảnh báo sự việc như vậy có thể gây ảnh hưởng xấu tới tình hình chính trị, kinh tế ở Trung Đông và trên toàn cầu.
"Nếu Iran là thủ phạm, chính quyền Trump cũng có phần lỗi khi đã đẩy Tehran đến bước đường phải tiến hành những bước đi quyết liệt", Ali Vaez, giám đốc chương trình Iran thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói với NewYorker. "Còn nếu Iran vô can, nước này đang bị gài bẫy bởi một thế lực muốn chiến tranh Iran - Mỹ nổ ra".
Vaez cho rằng sự cố như vậy sẽ làm gia tăng đáng kể căng thẳng chính trị ở Vùng Vịnh, vốn không yên bình sau một loạt mâu thuẫn gần đây giữa Tehran với Washington và các đồng minh của Mỹ.
"Chúng ta đang tới rất gần một cuộc xung đột dù chưa đến mức xung đột vũ trang, nên căng thẳng là rất cao", chuyên gia an ninh Jakob P. Larsen nói với AP.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng Iran đang phải hứng chịu một "chiến dịch gây sức ép chính trị, tâm lý và quân sự ngày càng lớn", cảnh báo rằng các cuộc tấn công tàu dầu là sự kiện "thảm kịch" gây chấn động thị trường dầu mỏ thế giới và chúng đang được sử dụng để kích động tâm lý chống Iran.
Sự cố này nhiều khả năng cũng sẽ tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, bởi dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng chính trên toàn cầu, bất chấp nỗ lực tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo. Hệ thống giao thông vận tải phụ thuộc vào nguồn cung đều đặn từ các mỏ dầu tới nhà máy lọc dầu và mạng lưới phân phối. Bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ gây tình trạng khan hiếm dầu chỉ sau vài tháng.
Giá dầu thô Brent đã tăng 4% lên mức 62,64 USD/thùng vào ngày 13/6, phản ánh lo ngại của các nhà đầu tư với vụ tấn công trên Vịnh Oman. Những con tàu bị hư hại có thể được thế chỗ nhanh chóng, nhưng ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn tỏ ra e ngại với mối đe dọa nhằm vào tuyến hàng hải bận rộn nhất ở Trung Đông.
Vịnh Oman nằm tiếp giáp với eo biển Hormuz, khu vực chiến lược giáp bờ biển Iran. 40% lượng dầu mỏ thế giới được chuyên chở qua đây, các chuyến tàu hàng thường phải đi qua lãnh hải Iran khi vượt eo biển Hormuz. Tehran từng nhiều lần đe dọa phong tỏa khu vực này khi căng thẳng với Washington leo thang.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) gọi khu vực là "yết hầu tồi tệ nhất thế giới", đánh giá nó quan trọng hơn cả eo biển Malacca ở Đông Nam Á và kênh đào Suez tại Ai Cập. Trong năm 2016, khoảng 18,5 triệu thùng dầu thô được vận chuyển qua eo biển Hormuz mỗi ngày, so với mức 16 triệu ở eo biển Malacca và 5 triệu qua kênh đào Suez.
Ngoài việc giá dầu tăng, một số thị trường chứng khoán chủ chốt tại Trung Đông đã mất 1% điểm trong các phiên giao dịch sau vụ tấn công.
"Phản ứng này khá nhẹ nhàng so với sự việc được coi là khủng hoảng của ngành công nghiệp dầu mỏ, cho thấy thị trường đã tính toán trước tác động do thiếu hụt nguồn cung và rủi ro địa chính trị từ Iran", Cailin Birch, chuyên gia kinh tế thế giới thuộc công ty Economist Intelligence Unit của Anh, đánh giá.
Giá dầu sụt giảm trong những tháng gần đây do dự báo nhu cầu thấp hơn trong năm nay và năm tới. Hồi tháng 10/2018, giá dầu thô Brent gần tiến tới 90 USD/thùng trước khi tụt xuống chưa đầy 50 USD/thùng sau đó hai tháng. Con số này tăng lên 72 USD/thùng vào tháng 4 năm nay, sau đó tiếp tục giảm xuống 60 USD/thùng.
Các nhà phân tích trước đây cho rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức 60-70 USD/thùng cho tới cuối năm, nhưng kịch bản leo thang căng thẳng tại Trung Đông sau các vụ tấn công tàu dầu có thể buộc giới đầu tư đánh giá lại các dự đoán trong 6 tháng cuối năm.
Nền kinh tế thế giới đang chật vật tìm cách duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung vẫn căng thẳng. Ngân hàng Thế giới dự đoán GDP toàn cầu năm nay có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 2,6% sau nhiều năm duy trì con số trên 3%, hệ quả của việc giao thương chậm lại suốt 18 tháng qua và sụt giảm đầu tư toàn thế giới.
Nỗi lo lắng về nhu cầu dầu mỏ bị suy giảm là một trong những yếu tố kiểm soát giá dầu, ngăn nó tăng vọt trong thời gian qua. Nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận khi lãnh đạo hai nước gặp nhau vào cuối tháng 6, nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại sẽ được gỡ bỏ và kinh tế toàn cầu có thể nhận được cú hích lớn.
"Nhu cầu dầu mỏ tăng cao, cùng những vụ tấn công tàu chở dầu ở Vùng Vịnh có khả năng đẩy giá dầu vượt mức 80 USD/thùng trong thời gian tới", Birch nhận định.
Vũ Anh (Theo Guardian)