Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 10/8 họp thượng đỉnh tại thủ đô Abuja của Nigeria để thảo luận về biện pháp phản ứng với đảo chính Niger. Lãnh đạo khối sau đó đề nghị bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên "kích hoạt toàn bộ thành phần trong Lực lượng Thường trực ECOWAS ngay lập tức" để khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger.
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.
Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hiện do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính vào năm 2021 và 2022.
Quyết định kích hoạt lực lượng thường trực được ECOWAS đưa ra sau khi chính quyền quân sự Niger phớt lờ tối hậu thư của khối về việc khôi phục quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Khối trước đó tuyên bố nếu phe đảo chính không chấp thuận tối hậu thư, họ sẽ tiến hành mọi biện pháp, kể cả can thiệp quân sự, với Niger.
Giới chuyên gia nhận định việc điều quân can thiệp vào Niger sẽ là một quyết định khó khăn đối với ECOWAS và sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Cách tiếp cận này chỉ nên được coi như biện pháp cuối cùng, khi mọi cánh cửa ngoại giao đều đã đóng.
ECOWAS từng sử dụng lực lượng quân sự để khôi phục trật tự hiến pháp trong khu vực, như ở Gambia năm 2017, khi tổng thống Yahya Jammeh từ chối từ chức dù thất bại trong cuộc bầu cử.
Chiến dịch của ECOWAS ở Gambia thành công, nhưng việc cân nhắc có nên đưa quân vào Niger hay không thực tế khó khăn hơn nhiều. Về mặt địa lý, Gambia chỉ là một nước nhỏ bao quanh bởi Senegal và Đại Tây Dương, còn Niger là quốc gia lớn nhất ở Tây Phi, với lực lượng quân sự mạnh hơn.
Lực lượng thường trực của ECOWAS hiện chỉ có khoảng 2.700 quân, gồm một tiểu đoàn bộ binh do Senegal dẫn đầu và một tiểu đoàn của Nigeria. Bởi vậy, việc đưa quân vào Niger, quốc gia có lực lượng thường trực hơn 25.000 quân, là điều hoàn toàn khác.
Ngoài ra, Nigeria, cường quốc khu vực, quốc gia đang dẫn đầu nhiệm vụ khôi phục chính quyền Tổng thống Bazoum, đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh trong nước, vì vậy việc gửi một phần đáng kể quân đội tới Niger sẽ là kế hoạch nhiều rủi ro đối với họ.
Mali và Burkina Faso, hai quốc gia có chung biên giới với Niger, cũng tuyên bố mọi hành động can thiệp quân sự vào Niger cũng đồng nghĩa tuyên chiến với họ. Vì vậy, nếu ECOWAS đưa quân đến Niger, khu vực sẽ đối mặt với nguy cơ bị đẩy vào một cuộc chiến tranh toàn diện, đặc biệt nếu người dân Niger kiên quyết phản đối hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Theo cựu giám đốc phụ trách châu Phi thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) Cameron Hudson, chiến dịch can thiệp quân sự của ECOWAS vào Niger sẽ làm bùng phát xung đột giữa các lực lượng tương đối yếu và thiếu kinh nghiệm.
"ECOWAS gần đây không có kinh nghiệm thực hiện kiểu hoạt động như vậy. Đó thậm chí không phải thứ mà họ được đào tạo", ông nói, thêm rằng nếu can thiệp vào Niger, khối có nguy cơ làm leo thang một cuộc chiến tranh trong khu vực và đây là kịch bản tồi tệ nhất.
Theo giới phân tích, các cuộc biểu tình ủng hộ phe đảo chính tại Niger là dấu hiệu cho thấy ngày càng nhiều người dân chấp nhận để chính quyền quân sự lãnh đạo đất nước. Hàng trăm thanh niên đang cùng quân đội đứng gác tại cửa ngõ thủ đô Niamey, tuyên bố sẽ gia nhập quân đội để chống lại bất kỳ cuộc can thiệp nào từ bên ngoài.
Một số chính trị gia tại Nigeria và Ghana lại lo ngại rằng hành động can thiệp quân sự vào Niger sẽ dẫn tới thảm họa nhân đạo, khiến khu vực vốn đã mất ổn định này tiếp tục chìm trong hỗn loạn.
Giới quan sát đánh giá bất kỳ cuộc chiến nào ở Niger đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến miền bắc Nigeria, nơi vốn đã rất căng thẳng bởi các cuộc nổi dậy của phiến quân.
Ngoài phiến quân Hồi giáo Boko Haram đã tàn phá vùng đông bắc đất nước, các cuộc đụng độ giữa nông dân và những người chăn thả gia súc cũng gây bất ổn cho những khu vực khác ở miền bắc Nigeria.
Bên cạnh đó, 7 bang của Nigeria có chung biên giới với Niger. Một cuộc tấn công vào Niger sẽ khiến dòng người tị nạn lớn đổ vào Nigeria.
Niger từng là một đối tác đáng tin cậy của phương Tây trong nỗ lực chống khủng bố tại khu vực. Chính phủ nước này đã tham gia Lực lượng Đặc nhiệm Đa quốc gia và G5 Sahel, hai tổ chức chủ chốt có nhiệm vụ chống khủng bố và chống buôn người.
Bởi vậy, một cuộc xung đột tại Niger sẽ là kịch bản mà các nhóm khủng bố rất mong đợi. Nó cũng dẫn đến tình cảnh những người lính từng sát cánh chống khủng bố giờ đây lại quay súng chống lại nhau.
Chiến sự tại Niger cũng sẽ là điều kiện lý tưởng để nhóm Nhà nước Hồi giáo Tây Phi, chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trỗi dậy và bành trướng, tương tự những gì từng xảy ra với Syria. IS từng lợi dụng cuộc nội chiến Syria để gieo rắc khủng hoảng và chiếm nhiều vùng đất rộng lớn tại quốc gia này.
Theo J. Peter Pham, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, tuyên bố kích hoạt lực lượng ứng phó đảo chính ở Niger là một giải pháp tình thế để ECOWAS tăng sức ép buộc chính quyền quân sự tại Niamey trao trả quyền lực.
Sau cùng, phe đảo chính chỉ là một phần nhỏ của quân đội Niger. Phần còn lại của quân đội vẫn đông hơn và áp đảo những người đang nắm giữ chính quyền, ông cho biết.
"Các đơn vị được trang bị và huấn luyện tốt nhất là những tiểu đoàn đặc nhiệm do Mỹ và Pháp huấn luyện", Pham nói, thêm rằng nhiều người trong số họ hiện không có mặt ở thủ đô Niamey vì đang được triển khai ở những vùng nông thôn, chiến đấu chống quân nổi dậy và các nhóm khủng bố.
Chính quyền quân sự Niger đã nói với quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland rằng họ sẽ sát hại Tổng thống Bazoum nếu các nước láng giềng tìm cách dùng vũ lực để khôi phục quyền lực cho ông, AP ngày 11/8 dẫn lời hai quan chức phương Tây am hiểu vấn đề cho hay.
Aneliese Bernard, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên về các vấn đề châu Phi, nhận định những thông điệp mang tính đe dọa từ cả hai bên chắc chắn làm leo thang căng thẳng, nhưng cũng có thể thúc đẩy họ tiến gần hơn đến bàn đàm phán, khi biết rằng các hành động quyết liệt đều có thể dẫn đến hậu quả nặng nề.
Nnamdi Obasi, chuyên gia cấp cao từ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, Bỉ, vẫn cho rằng ECOWAS nên tìm thêm các giải pháp ngoại giao cho vấn đề Niger thay vì sử dụng tới chiêu bài cuối cùng.
"Việc sử dụng vũ lực có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc và không lường trước được", ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo AP, Politico, Conversation)