Mỹ đã áp thuế 25% với 250 triệu USD hàng hóa Trung Quốc, nhưng động thái này không tác động nhiều đến người tiêu dùng nước này vì nó tập trung vào các mặt hàng như máy móc, chất bán dẫn, bộ phận máy bay, hóa chất, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đòn áp thuế được Trump công bố ngày 1/8 sẽ có tác động khác biệt.
Mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9, đánh vào các mặt hàng tiêu dùng thường ngày như máy sấy tóc, giày thể thao, TV màn hình phẳng hay váy cưới cô dâu. "Chúng đánh thẳng vào người tiêu dùng", Steve Pasierb, chủ tịch Hiệp hội Đồ chơi Mỹ nói. "Chúng đánh vào thành phẩm, không phải nguyên liệu thô".
Trump nói rằng đòn áp thuế sẽ giúp Mỹ thu được hàng tỷ USD từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đó không phải là cách thuế quan hoạt động. Chính phủ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc không trả thuế trực tiếp cho Mỹ. Tiền thuế được các công ty đăng ký tại Mỹ đóng cho hải quan Mỹ khi hàng hóa vào nước này.
Để giảm gánh nặng thuế, các nhà nhập khẩu sẽ thực hiện một số điều chỉnh, chẳng hạn như tăng giá đối với đối tác và người tiêu dùng Mỹ. Các chủ doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế Mỹ nói rằng người tiêu dùng Mỹ phải "gánh" phần lớn thuế quan vì giá bán hàng hóa sẽ tăng lên.
Đó là lý do ngay sau khi Trump công bố quyết định của mình, các nhà bán lẻ ở Mỹ đã chỉ trích nó là "thêm một đòn tăng thuế đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ".
Thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc và các sản phẩm khác đã khiến chi phí sản xuất của công ty thiết bị xây dựng Caterpillar Inc tăng 70 triệu USD trong quý II. Họ dự kiến phải trả tới 250-350 triệu USD tiền thuế trong năm nay. Để đối phó với chi phí cao hơn, nhà sản xuất đã tăng giá sản phẩm.
Walmart Inc, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới và chuỗi trung tâm thương mại Macy's Inc cũng cảnh báo về việc tăng giá bán sản phẩm. Tổ chức Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ hồi tháng hai công bố báo cáo cho thấy mức thuế toàn cầu mà Trump áp dụng với máy giặt nhập khẩu đã khiến giá mặt hàng này ở Mỹ tăng 12% so với tháng 1/2018. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, thuế nhập khẩu toàn cầu với thép và nhôm đã khiến giá sản phẩm thép tăng gần 9% trong năm ngoái.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, Đại học Princeton và Đại học Columbia kết luận trong một báo cáo chung rằng các công ty và người tiêu dùng Mỹ trả thêm ba tỷ USD mỗi tháng cho tiền thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và nhập khẩu kim loại toàn cầu.
Thực tế, các nhà cung cấp Trung Quốc cũng phải "gánh" thuế quan của Mỹ theo cách gián tiếp. Chẳng hạn, họ đôi khi phải giảm giá cho các nhà nhập khẩu Mỹ để giảm bớt gánh nặng cho họ nhằm duy trì hợp đồng và thị phần. Các công ty Trung Quốc đang mất đi nhiều thương vụ vì các nhà nhập khẩu Mỹ muốn tìm kiếm các nguồn hàng rẻ hơn từ các nước khác.
Bắc Kinh đã trả đũa Washington bằng cách áp thuế với hàng hóa Mỹ. Vì vậy, Bắc Kinh cũng thu thuế áp với hàng hóa Mỹ từ các nhà nhập khẩu Trung Quốc và người tiêu dùng Trung Quốc cũng có thể phải mua sản phẩm với giá cao hơn.
Tuy nhiên, Stephen Lamar, phó chủ tịch Hiệp hội Hàng may mặc và Giày dép Mỹ cho biết mức thuế mới có tác động với người tiêu dùng Mỹ lớn hơn nhiều so với các công ty Trung Quốc đang cung cấp 42% hàng may mặc và 69% giày dép ở thị trường Mỹ.
Một số nhóm thương mại hàng đầu đã chỉ trích động thái của Trump. "Chúng tôi ủng hộ mục tiêu của chính quyền trong việc tái cấu trúc quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Nhưng chúng tôi thất vọng vì chính quyền tiếp tục thúc đẩy chiến lược thuế sai lầm", Phó chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia David French nói.
"Những mức thuế bổ sung này sẽ chỉ đe dọa việc làm của Mỹ và tăng chi phí mua hàng hóa hàng ngày của các gia đình Mỹ", ông nói thêm.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)