Quyết định chấm dứt Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA) được Hàn Quốc đưa ra hôm 22/8, trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul và Tokyo đang căng thẳng vì tranh chấp thương mại và vấn đề lịch sử.
"Hiệp định này được ký nhằm tăng cường trao đổi thông tin quân sự nhạy cảm. Việc duy trì nó không còn phục vụ lợi ích quốc gia của chúng tôi", Kim You-geun, Phó giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc, tuyên bố.
Tokyo hồi tháng 7 hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao mà Seoul cần để sản xuất chất bán dẫn và màn hình điện tử, cũng như siết chặt về thương mại khi xóa tên Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" được miễn trừ tối đa hạn chế thương mại.
"Nhật Bản lấy lý do lo ngại an ninh và mất niềm tin với Hàn Quốc để hành động như vậy, nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Điều này gây ra những thay đổi cơ bản trong hợp tác quốc phòng", ông Kim nói thêm.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono gọi động thái chấm dứt GSOMIA là "cực kỳ đáng tiếc", cho rằng Hàn Quốc đã đánh giá sai tình hình an ninh khu vực. "Chúng tôi không chấp nhận tuyên bố của Seoul và sẽ phản đối mạnh mẽ quyết định này", Ngoại trưởng Kono nói, cho biết đã triệu đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản.
Mỹ tỏ ý thất vọng với quyết định của Hàn Quốc, hối thúc hai nước đồng minh Đông Á tiếp tục đối thoại. "Chúng tôi hy vọng mỗi bên có thể bắt đầu đặt quan hệ trở lại đúng chỗ", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay.
Quan hệ Nhật - Hàn đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa vào năm 1965. Seoul cáo buộc Tokyo tận dụng lợi thế thương mại để trả đũa phán quyết năm ngoái của tòa án Hàn Quốc, trong đó yêu cầu các công ty Nhật từng sử dụng lao động cưỡng bức trong giai đoạn 1910-1945 phải bồi thường cho nạn nhân. Nhiều người Hàn Quốc đã phát động phong trào tẩy chay hàng hóa, thậm chí là tự thiêu, để phản đối Nhật Bản.
GSOMIA được Hàn Quốc và Nhật Bản ký cuối tháng 11/2016 nhằm chia sẻ thêm thông tin tình báo về an ninh khu vực, đặc biệt là các hoạt động vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo Triều Tiên.
Vũ Anh (Theo AFP)