Trong tuyên bố chung được công bố ngày 20/5 sau hội nghị thượng đỉnh tại Hiroshima, Nhật Bản, các lãnh đạo G7 cho hay họ "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, "phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc biện pháp cưỡng ép".
G7 cảnh báo Trung Quốc về hoạt động "quân sự hóa" ở Biển Đông, tái khẳng định hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là "rất cần thiết" với an ninh toàn cầu, đồng thời kêu gọi giải pháp hòa bình cho căng thẳng ngày càng tăng liên quan đến vấn đề Đài Loan. Khối này cũng kêu gọi Trung Quốc tác động để Nga chấm dứt chiến dịch nhằm vào Ukraine.
Đây là những tuyên bố mạnh mẽ nhất của G7 nhắm vào Trung Quốc, kể từ khi nhóm này lần đầu tiên đề cập tới Bắc Kinh trong tuyên bố chung trong hội nghị cách đây hai năm ở Anh.
Các lãnh đạo G7 khẳng định "sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc", nhưng cũng cho rằng việc "đề cập thẳng thắn và trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của mình với Bắc Kinh" là rất quan trọng.
"Chính sách của chúng tôi không nhằm gây tổn hại cho Trung Quốc, cũng như không tìm cách cản trở phát triển và tiến bộ kinh tế của nước này", tuyên bố chung có đoạn, thêm rằng các thành viên G7 "không tìm cách tách rời kinh tế Trung Quốc hay hướng nội".
Tuyên bố chung của G7 được nhận định đưa ra loạt quan ngại về hoạt động kinh tế và quân sự của Trung Quốc, cũng như thể hiện ý định đưa các chuỗi cung ứng nhạy cảm khỏi tầm ảnh hưởng của nước này.
Tuy nhiên, tuyên bố chung cũng cho thấy G7 tìm cách để ngỏ cánh cửa hợp tác và tránh làm gia tăng căng thẳng giữa khối và Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
G7 là nhóm 7 nền kinh tế phát triển trên thế giới, gồm Anh, Canada, Đức, Italy, Mỹ, Nhật Bản và Pháp. Nhật Bản đang giữ chức chủ tịch luân phiên G7 năm 2023. Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 19-21/5.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)