Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Triều Tiên trong hai ngày 20 và 21/6, đánh dấu lần đầu tiên một lãnh đạo Trung Quốc tới Triều Tiên sau 14 năm.
Giới chuyên gia cho rằng ông Tập có thể cảm thấy bắt buộc phải thăm Bình Nhưỡng để đáp lễ sau khi ông Kim đã thăm Trung Quốc 4 lần. "Từ góc độ của Triều Tiên, đã đến lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm", John Delury, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung và bán đảo Triều Tiên tại Đại học Yonsei ở Seoul, nói.
Ông Tập và ông Kim sẽ gặp nhau vào thời điểm cả hai đều đang trong thế đối đầu với Washington về thương mại và phi hạt nhân hóa. Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên nên gay gắt trong năm qua, Trump đã nói rằng ông trông chờ vào sự giúp đỡ của ông Tập để khiến ông Kim từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Triều Tiên, chiếm 90% giao thương của Triều Tiên với thế giới bên ngoài. Chiến dịch gây sức ép lên Bình Nhưỡng có hiệu quả hay không phụ thuộc vào mức độ Bắc Kinh chấp hành các lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên.
Với chuyến thăm này, Bắc Kinh muốn nhắc nhở Trump về ảnh hưởng của mình với Bình Nhưỡng. "Tín hiệu họ muốn gửi đi là Trung Quốc vẫn là một bên liên quan quan trọng", Jingdong Yuan, giáo sư chuyên về an ninh châu Á - Thái Bình Dương và chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Sydney, nói.
Thời điểm của chuyến thăm có thể khiến các quan chức ở Nhà Trắng "nhướn mày" vì nó diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, nơi Trump - Tập nhiều khả năng họp với nhau. Một số kỳ vọng cuộc gặp ở G20 có thể mở lối ra cho bế tắc đàm phán thương mại Mỹ - Trung từ tháng 5, khi hai bên tung tiếp các đòn áp thuế ăn miếng trả miếng. Trump sẽ quyết định có áp thuế thêm 325 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc hay không sau G20.
Giáo sư Yuan cho rằng ông Tập có thể sử dụng Triều Tiên như một "quân bài mặc cả" trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung. "Chuyến đi Triều Tiên là một phần chiến lược tăng cường ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", Wang Sheng, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Cát Lâm, nói. "Động thái cũng nhằm làm rõ cho Mỹ thấy rằng vai trò của Trung Quốc không thể bị bỏ qua, cho dù là ở Đông Bắc Á hay sự kiện đa quốc gia như G20".
Chính phủ Hàn Quốc hoan nghênh chuyến thăm của ông Tập như một dấu hiệu cho thấy quá trình đối thoại với Triều Tiên đang được nối lại. Triều Tiên trong vài tuần gần đây có một loạt động thái tiếp cận ngoại giao. Tuần trước, Trump thông báo rằng Kim Jong-un đã gửi cho ông "một lá thư rất hay", phá vỡ nhiều tháng im lặng sau khi hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội vào tháng hai kết thúc mà không có kết quả. Ông Kim sau đó điều em gái đến Panmunjom ở biên giới Hàn - Triều để tặng hoa và chia buồn vì cựu đệ nhất phu nhân Hàn Quốc qua đời.
Chad O'Carroll, giám đốc điều hành của Nhóm Rủi ro Hàn Quốc, cho rằng chuyến thăm của ông Tập, kết hợp với lá thư ông Kim gửi cho Trump, có thể sẽ là động lực cho Tổng thống Mỹ để xúc tiến một cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên tại Panmunjom để nối lại đàm phán.
"Hãy nhớ lại cuộc gặp vào tháng 5/2018 giữa Tổng thống Hàn Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, khi Trump có ý định hủy cuộc gặp được lên kế hoạch vào tháng 6/2018 với Kim Jong-un. Tuy cuộc họp Hàn - Triều được chuẩn bị trong thời gian ngắn, nó đã tạo đà để Trump - Kim gặp nhau lần đầu tiên ở Singapore. Tình huống này có thể lặp lại", O'Carroll nói.
Mintaro Oba, cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng chuyến thăm cũng phản ánh thực tế rằng Triều Tiên nhìn chung có ưu thế hơn Washington về ngoại giao khu vực. Ông Kim đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok vào tháng 4.
"Ông Kim có thể cảm thấy tự tin rằng việc Nga, Trung đều đang căng thẳng với Mỹ và không muốn bị đứng ngoài lề tiến trình đàm phán hạt nhân sẽ khiến các quốc gia này hành động phù hợp với lợi ích của Bình Nhưỡng hơn", Oba nói. Điều đó có nghĩa là họ có thể ngày càng ủng hộ cách tiếp cận phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn của Triều Tiên và nới lỏng lệnh trừng phạt.
Chuyến thăm của ông Tập có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc ngày càng miễn cưỡng duy trì các lệnh trừng phạt với Triều Tiên trong khi Mỹ coi các lệnh trừng phạt là công cụ cốt lõi để gây áp lực tối đa với Bình Nhưỡng. "Ông Tập coi quan hệ Trung - Triều như một phần phụ của quan hệ Mỹ - Trung và ông tính toán chiến lược theo cách tiếp cận đó", Delury nói.
Phương Vũ (Theo AFP/ Washington Post)