Trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel cuối tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhìn nhận tình trạng thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng là nguyên nhân chính và kịch bản xấu nhất có thể diễn ra vào mùa đông tới, khi nhiều nhà máy có thể phải đóng cửa, công nhân mất việc làm, người dân khó chi trả tiền khí đốt sưởi ấm.
"Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, chuỗi cung ứng sẽ sụp đổ, người dân sẽ nghèo đi và nỗi giận dữ sẽ bao trùm cả quốc gia", ông cảnh báo. "Chúng ta sẽ bước vào thời kỳ khó khăn".
Bộ trưởng Habeck cho rằng đà tăng giá tiêu dùng ở Đức vẫn chưa kết thúc, chi phí năng lượng sẽ chỉ "tăng dần lên". "Nhiều người sẽ bị ảnh hưởng hơn", ông nói, cho rằng Đức đang ở tình cảnh chưa từng thấy do "khủng hoảng khí đốt".
Ông cũng cảnh báo rằng nếu nguồn cung khí đốt Nga vẫn ở mức thấp như hiện nay, Đức sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng, có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khi OPEC quyết định ngừng bán dầu sang Mỹ, Nhật và Tây Âu, nhằm trừng phạt nhóm này vì đã ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với liên quân Ai Cập - Syria.
"Mùa đông phía trước chắc chắn sẽ đầy khó khăn, một số ngành sản xuất sẽ phải đóng cửa", Habeck nhấn mạnh. "Đó sẽ là thảm họa với nhiều ngành công nghiệp trong thời gian dài, thay vì chỉ vài ngày hay vài tuần".
Ông Habeck cũng cáo buộc Nga gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Đức hiện nay, khi đang giảm dần nguồn cung khí đốt cho Berlin để khiến giá năng lượng tiếp tục tăng và "khuấy động bất ổn và lo sợ", tạo môi trường cho chủ nghĩa dân túy nhằm "hủy hoại nền dân chủ tự do Đức từ bên trong".
Trước tình hình này, Đức sẽ khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than, dù có thể tác động nặng nề với nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Trước đó, tập đoàn Gazprom của Nga thông báo cắt giảm 60% nguồn cung khí đốt xuất khẩu sang Đức qua đường ống Nord Stream do "vấn đề kỹ thuật phát sinh".
Phát ngôn viên Điện Kremlin ngày 23/6 khẳng định Nga là nhà cung ứng năng lượng đáng tin cậy cho châu Âu, không đồng tình việc Berlin coi Moskva giảm nguồn cung khí đốt là động thái "trả đũa chính trị".
Theo đại diện từ Gazprom, nhà cung cấp thiết bị Siemens Energy của Đức đã trì hoãn chuyển giao các tua-bin nén khí kịp thời. Các tua-bin này đang mắc kẹt tại một cơ sở sửa chữa ở Canada do lệnh trừng phạt của Ottawa đối với Moskva.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng động thái cắt giảm khí đốt gần đây của Nga mang tính "chiến lược", khiến các quốc gia châu Âu khó lấp đầy kho dự trữ, đồng thời tăng lợi thế của Nga vào mùa đông tới, thời điểm nhu cầu khí đốt tăng cao.
Liên minh châu Âu đã ra quyết định cấm nhập dầu mỏ và than đá Nga, nhưng không áp dụng với khí đốt do châu lục này phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Moskva. Tháng trước, EU cam kết lấp đầy ít nhất 80% các cơ sở dự trữ khí đốt vào tháng 11, song hiện mới thực hiện được khoảng 55%.
Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tới Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan, sau khi các quốc gia này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble.
Đức Trung (Theo RT)