"Khí đốt hiện là mặt hàng khan hiếm ở Đức", Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nói trong cuộc họp báo ở Berlin hôm nay khi thông báo về việc kích hoạt giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn về nguồn cung năng lượng. Ông cũng cáo buộc Nga đang sử dụng khí đốt làm "vũ khí" chống lại Đức để trả đũa việc phương Tây hỗ trợ Ukraine.
Đức, giống như một số quốc gia châu Âu khác, phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Kế hoạch khẩn gồm ba giai đoạn được Đức xây dựng nhằm đối phó với trường hợp cạn kiệt nguồn cung năng lượng. Giai đoạn đầu của kế hoạch này được kích hoạt hôm 30/3.
Việc kích hoạt giai đoạn hai, nâng mức cảnh báo khí đốt lên "đáng báo động", đưa Đức tiến gần hơn đến giai đoạn thứ ba. Đây là giai đoạn cảnh báo khí đốt được nâng lên "khẩn cấp" và nền kinh tế hàng đầu châu Âu có thể phải phân phối nguồn cung theo hạn mức.
Mức cảnh báo khí đốt "đáng báo động" của chính phủ Đức phản ánh "tình hình cung cấp khí đốt đang xấu đi đáng kể", ông Habeck nói. Các hộ gia đình "có thể tạo ra khác biệt" bằng cách tiết kiệm năng lượng, khi Đức phát động chiến dịch khuyến khích các biện pháp tiết kiệm khí đốt.
Đức đã yêu cầu các cơ sở lưu trữ khí đốt phải được lấp đầy tới 90% trước mùa đông châu Âu năm nay để giảm rủi ro do cắt giảm nguồn cung. Hiện tại, các kho dự trữ khí đốt của Đức chưa được làm đầy tới 60%.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tuần trước thông báo giảm đáng kể nguồn cung khí đốt tới Đức qua đường ống Nord Stream 1 với lý do sửa chữa máy nén, trong khi chính phủ Đức cáo buộc quyết định này mang mục đích chính trị.
"Nếu chúng tôi bước sang mùa đông với các kho dự trữ khí đốt chỉ còn một nửa và nguồn cung bị cắt, đó sẽ là một cuộc khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn ở Đức", Bộ trưởng Habeck nói ngày 21/6.
Sau thông báo của Gazprom, Đức, Áo và Hà Lan đã quyết định kích hoạt lại các nhà máy điện than để giảm tiêu thụ khí đốt.
Ông Habeck cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tìm cách tạo hỗn loạn trên thị trường khí đốt châu Âu bằng cách cắt nguồn cung tới các nước như Ba Lan và Bulgaria. Ông kêu gọi "đa dạng hóa" các nhà cung cấp nguyên liệu thô và năng lượng để thoát phụ thuộc vào Nga.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Đức đã cố gắng giảm thị phần khí đốt tự nhiên do Nga cung cấp từ 55% trước chiến dịch quân sự của Moskva xuống còn khoảng 35%. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã tìm kiếm các nguồn cung cấp mới và đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu khí đốt vào nước này bằng đường biển dưới dạng khí hóa lỏng tự nhiên (LNG).
Huyền Lê (Theo AFP)