Tháng 9/2012, tại một mỏ dầu ở lưu vực sông Orinoco của Venezuela, ông Igor Sechin, chủ tịch tập đoàn Rosneft Nga, đổ đầy dầu thô vào một chiếc bình và nhấc nó lên cao, đánh dấu thời điểm công ty ông vươn tầm hoạt động ra nước ngoài, khai thác trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới.
Rosneft cùng các doanh nghiệp khác của Nga như Gazprom Neft, Lukoil, TNK-BP và Surgutneftegaz sở hữu 40% cổ phần tại mỏ dầu Junin-6 của Venezuela. Công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA nắm giữ 60% còn lại.
"Hôm nay thực sự là một ngày lịch sử", ông Sechin nói với truyền hình nhà nước Nga. Tuy nhiên, giấc mơ kiếm lời của Rosneft tại Venezuela ngay lập tức gặp trắc trở, theo Reuters.
Tháng 11/2012, PDVSA đóng cửa một trong 4 giàn khoan tại Junin-6 mà không thông qua đối tác Nga. Sự phản đối của người dân địa phương cũng khiến dự án càng khó tiến triển. Đến cuối năm 2012, chỉ có 6 giếng dầu được khoan, kém xa mục tiêu ban đầu là 47 giếng.
Thiết bị sử dụng tại Junin-6 được mua từ một đơn vị thuộc PDVSA có tên là Bariven nhưng họ phải chờ 10-18 tháng để được bàn giao. Sự chậm trễ khiến người Nga mất trung bình 49 ngày để khoan một giếng dầu, thay vì 22 ngày như dự kiến.
Rosneft hồi tháng 9/2012 đặt mục tiêu Junin-6 sẽ cung cấp 20.000 thùng dầu mỗi ngày. Nhưng thực tế, họ chỉ thu được 21.400 thùng trong cả năm 2012.
Ba năm sau, tình hình cũng không được cải thiện. Cuối năm 2015, mục tiêu về sản lượng dầu từ Junin-6 của Rosneft giảm từ 450.000 thùng mỗi ngày xuống còn 250.000 thùng mỗi ngày.
Cuộc sống ở Venezuela cũng không dễ dàng đối với nhân viên của Rosneft. Một người Nga quen biết các gia đình ở đây cho biết quận được coi là hạng sang ở thủ đô Caracas cũng lâm vào cảnh thiếu nước.
Hai trong số các đối tác liên minh với Rosneft ở Junin-6 quyết định từ bỏ việc đầu tư. Surgutneftegaz rút khỏi dự án vào tháng 11/2012. Tháng 12/2014, Lukoil cũng rút lui. "Rất nhiều người ở Lukoil thở phào nhẹ nhõm khi họ không phải đổ thêm hàng tỷ USD vào Venezuela", một người quản lý dự án Junin-6 nói.
Rosneft mua lại cổ phần của Surgutneftegaz và Lukoil trong Junin-6 với trị giá khoảng 300 triệu USD. Họ cũng sở hữu số cổ phần của TNK-BP khi mua lại công ty này với giá 55 tỷ USD năm 2013. Điều đó khiến Gazprom Neft, thuộc công ty khí đốt nhà nước Gazprom, là đối tác Nga duy nhất còn lại của Rosneft ở Junin- 6.
Rosneft cũng có 4 dự án dầu nhỏ hơn với PDVSA: Carabobo và Petromonagas nằm ở lưu vực sông Orinoco; Boqueron nằm ở phía đông gần bờ biển Đại Tây Dương; Petroperija nằm trên bờ biển Caribe. Tuy nhiên, tất cả dự án này đều gặp những vấn đề như sản lượng dầu không như kỳ vọng, tiến độ khoan dầu chậm trễ, thiếu tiền để mua thiết bị bơm.
Không chỉ sản lượng dầu thu được thấp, Rosneft còn gặp rắc rối trong vấn đề doanh thu.
Báo cáo hoạt động năm 2012 cho thấy PDVSA đã lấy 12 triệu USD từ ngân sách của Junin-6 mà không có sự đồng ý của Rosneft để chi cho dự án xã hội phục vụ người dân địa phương. Điều đáng chú ý là chỉ có 350 người sống ở khu vực đồi núi rộng khoảng 447 km2 ở bờ phía bắc sông Orinoco.
Nửa cuối năm 2014, Rosneft đã yêu cầu kiểm toán dự án Junin-6 để xác định các khoản chi không chính đáng. Kiểm toán viên điều tra dòng tiền của các dự án Petromonagas, Petroperija, Boqueron và kết luận rằng PDVSA đã báo cáo không đúng sự thật về doanh thu bán dầu của Petromonagas, thấp hơn mức thực tế 700 triệu USD.
Ông Sechin ngày 30/4/2015 phê duyệt kết quả kiểm toán. Một tháng sau, Rosneft đưa ra các biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình bao gồm lắp đặt trạm đo để theo dõi lượng dầu được bơm cho khách hàng nhằm ước lượng doanh thu, bố trí người đánh giá độc lập để theo dõi các khoản chi. Họ cũng yêu cầu PDVSA ngừng giao việc cho các công ty con không ký hợp đồng rõ ràng.
6 tháng sau, Phó chủ tịch của Rosneft Eric Liron báo cáo với Sechin rằng họ vẫn còn khúc mắc với PDVSA. "Tình trạng này sẽ kéo dài mãi mãi", kiểm toán viên của Rosneft viết trong email gửi vào tháng 11/2015, phàn nàn rằng không có tiến triển nào trong việc yêu cầu PDVSA giải thích về khoản 700 triệu USD "bốc hơi".
Rosneft được cho là nhận doanh thu từ các dự án liên doanh ở Venezuela dưới dạng cổ tức. Tính đến quý IV năm 2015, các bài thuyết trình nội bộ của Rosneft cho thấy công ty bị nợ cổ tức trị giá 337 triệu USD.
Sau năm 2015, Rosneft cố gắng kiểm soát các khoản đầu tư của mình nhiều hơn bằng cách đưa các nhà thầu riêng tham gia dự án. Trong báo cáo tài chính được công bố vào ngày 5/2, Rosneft cho biết khoản tiền PDVSA nợ họ đã giảm từ 6,5 tỷ USD xuống 2,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Báo cáo của Rosneft và đánh giá của giới phân tích cho thấy các dự án của công ty tại Venezuela vẫn có sản lượng ít hơn mục tiêu, các kế hoạch phát triển bị bỏ xó hoặc chậm tiến độ.
Rosneft viết trong báo cáo thường niên năm 2017 rằng dự án Junin-6 vẫn mắc kẹt trong giai đoạn thăm dò và sản xuất thử nghiệm. Một giám đốc điều hành tại Gazprom Neft nói rằng dự án "không có giá trị thương mại". Rosneft không trả lời yêu cầu bình luận về tiềm năng thương mại của dự án.
Reuters ước tính rằng sau khi bơm cho Venezuela hơn 9 tỷ USD bằng các khoản cho vay, mua lại và chi tiêu dự án kể từ năm 2010, Rosneft đã lỗ 1,5 tỷ USD, tính đến cuối năm 2018. Hãng tin nói rằng con số họ đưa ra có thể còn khiêm tốn vì chưa tính đến tiền thuế mà Rosneft phải trả ở Venezuela.
Tháng 4 năm ngoái, công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết dự tính sản lượng cao nhất tại Junin-6 là 120.000 thùng mỗi ngày - bằng một nửa so mục tiêu từng được Rosneft đề ra năm 2015.
Các dự án Boqueron và Petroperija cũng đang thua lỗ, theo báo cáo tài chính của Rosneft năm 2018. Dự án Petromonagas mà Rosneft đã lên kế hoạch tăng sản lượng cũng không đạt được kỳ vọng. Tháng 7 năm ngoái, sản lượng dầu ở đây còn thấp hơn so với năm 2015.
Câu hỏi nhiều người thắc mắc là vì sao Rosneft vẫn duy trì liên doanh tại đất nước lâm vào khủng hoảng dù không đạt được lợi nhuận, trong khi nhiều công ty khác đã rút lui? Venezuela lâm vào suy thoái kinh tế trầm trọng từ khi Tổng thống Nicolas Maduro nắm quyền năm 2013. Chi phí nhu yếu phẩm, thực phẩm, thuốc men vượt ra ngoài tầm với của người dân, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ tội phạm tăng vọt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính lạm phát sẽ đạt 10 triệu % trong năm nay.
Hai nguồn tin thân cận với công ty nói rằng quyết định này là một phần trong kỳ vọng rằng Rosneft sẽ hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Maduro, đồng minh của Moskva. PDVSA chiếm tới 90% doanh thu xuất khẩu của Venezuela.
Nga coi mối quan hệ của mình với Venezuela là cách để thể hiện sức ảnh hưởng tại "sân sau" của Mỹ, theo Alexander Gabuev, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Moskva. Venezuela là khách hàng vũ khí lớn của Nga. Hàng tỷ USD mà Rosneft đầu tư vào Venezuela càng là động lực để Moskva sát cánh với đồng minh.
Mối quan hệ đồng minh đó càng trở nên quan trọng sau khi thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido ngày 23/1 tự nhận là "tổng thống lâm thời" trong một nỗ lực lật đổ Maduro. Guaido nhận được sự ủng hộ của khoảng 40 quốc gia, trong đó có Mỹ và 20 nước thuộc Liên minh châu Âu. Dù vậy, chính quyền Maduro vẫn đứng vững vì nhận được sự hậu thuẫn của quân đội và được các nước như Nga, Trung Quốc, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 11/3 nói rằng Rosneft vẫn tiếp tục mua dầu thô từ Venezuela và "ném phao cứu sinh" cho chính quyền Maduro. Nhưng người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Rosneft đầu tư vì lợi ích của các cổ đông. Ông bác bỏ lập luận rằng Điện Kremlin đã gây áp lực để công ty này đầu tư vào Venezuela.
"Rosneft là công ty thương mại hoạt động ở mọi nơi trên thế giới để tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, họ làm ăn ở Venezuela", Peskov nhấn mạnh. "Các dự án lớn như vậy thường có tầm nhìn dài dạn. Đánh giá khả năng sinh lời của dự án là việc của doanh nghiệp chứ không phải là câu hỏi dành cho chúng tôi".