Các tà vẹt bê tông sáng loáng chạy dọc qua một cầu đường sắt ở Kenya, phần mới nhất trong dự án tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng, nối từ bờ biển Kenya đến nước láng giềng Uganda. Chỉ có điều, nó không chạy đến biên giới với Uganda như kế hoạch ban đầu. Thay vào đó, nó kết thúc đột ngột ở một làng quê hoang vắng cách thủ đô Nairobi của Kenya 120km về phía tây, với các đường ray đã được lắp đặt nhưng không sử dụng.
Hoạt động thi công ở tuyến đường sắt được xem là dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực Đông Phi đã dừng lại vào đầu năm nay sau khi Trung Quốc ngừng giải ngân khoảng 4,9 tỷ USD vốn vay cần thiết để hoàn tất nó. Động thái này dường như khiến hai chính phủ Kenya và Uganda bất ngờ. Cả hai nước có lẽ giờ đây buộc phải phục hồi tuyến đường sắt từ thời thuộc địa để bù đắp phần dang dở của tuyến đường sắt mới, giúp thúc đẩy thương mại khu vực.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục ca ngợi tuyến đường sắt khổ chuẩn kết nối thành phố ven biển Mombasa và thủ đô Nairobi (Kenya) như là dự án mẫu mực trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, trước lo ngại gia tăng trên toàn cầu rằng những dự án BRI đang choàng gánh nợ rủi ro cao lên các nước nghèo, hồi tháng 4, ông Tập đã tuyên bố Bắc Kinh sẽ kiểm soát và giám sát chặt hơn các dự án BRI.
Sự thay đổi đó bắt đầu được cảm nhận trên khắp thế giới. Một hệ thống đường sắt nhẹ có vốn đầu tư 1,9 tỷ USD được hoạch định là dự án BRI tiêu biểu ở Kazakhstan, bị tạm ngưng triển khai sau cú sụp đổ của ngân hàng địa phương quản lý các khoản vốn vay từ Trung Quốc. Tại Zimbabwe, một dự án điện mặt trời khổng lồ cũng lâm vào cảnh thiếu vốn sau khi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc rút lại kế hoạch cung cấp vốn vay vì các khoản nợ cũ của chính phủ Zimbabwe, theo tổ chức tư vấn RWR Belt and Road Monitor. Dự án tuyến đường sắt của Kenya có thể cùng chung số phận.
"Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn đối với mức độ cho vay nợ ở châu Phi", Piers Dawson, nhà tư vấn từ công ty Africa Matters, trụ sở ở London, nhận xét. Theo ông, nguyên nhân do lo ngại ngày càng gia tăng về tính bền vững và nguy cơ vỡ nợ của các dự án BRI.
Trung Quốc giờ đây là nhà tài trợ vốn vay xây dựng hạ tầng lớn nhất ở châu Phi. Bắc Kinh đang cung cấp vốn vay cho một trong 5 dự án hạ tầng và xây dựng một trong ba dự án hạ tầng ở khu vực này, theo báo cáo từ hãng kiểm toán Deloitte.
Với nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng lên đến 130 - 170 tỷ USD mỗi năm, các chính phủ ở châu Phi rất sẵn sàng tiếp nhận những khoản vay từ Trung Quốc để lấp vào khoảng trống nguồn vốn đầu tư.
Điểm đáng lo ngại là một báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington hồi tháng 3/2018 xác định Kenya là một trong ba nước châu Phi rơi vào diện rủi ro nợ xấu do tham gia sáng kiến BRI. Hai nước còn lại có rủi ro tương tự là Ai Cập và Ethiopia.
"Trung Quốc đang phải ứng phó những vấn đề riêng, trong đó có nhận thức cho rằng họ đang 'gài bẫy' nhiều đối tác BRI bằng cách nhấn chìm họ vào nợ nần", Jacques Nel, nhà kinh tế từ hãng tư vấn NKC African Economics, đánh giá.
Ông cho biết chính phủ Trung Quốc "đã ngừng các kế hoạch mở rộng ở bên ngoài hoặc ít nhất đang tập trung hơn vào tính khả thi của dự án vì những lo ngại nợ doanh nghiệp của nước này".
Nửa đầu tiên của dự án tuyến đường sắt Kenya - Uganda, một dải đường sắt 470 km nối giữa thành phố cảng Mombasa và Nairobi, đã đi vào hoạt động nhưng chưa tạo ra lợi nhuận. Bắc Kinh từ chối cung cấp vốn cho đoạn đường sắt mở rộng sang Uganda giữa lúc có nhiều lo ngại về tính khả thi của dự án.
Kenya và Uganda đã phối hợp để phát triển tuyến đường sắt mới này nhằm giúp giảm chi phí vận tải và thời gian vận chuyển hàng hóa từ bờ biển Kenya băng qua mỗi nước và tiến vào vùng nội địa ở phía tây và phía đông châu Phi. Tuy nhiên, khi nhận ra rằng Trung Quốc có lẽ không giải ngân thêm vốn vay, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã xúc tiến kế hoạch kết nối tuyến đường sắt mới xây dựng với một tuyến đường sắt khổ hẹp hơn có tuổi đời hơn 90 năm.
Uganda, vốn cũng dựa vào nguồn tiền vay từ Trung Quốc, đã quyết định tu sửa lại tuyến đường sắt được xây dựng từ thời thuộc địa ở phía bên kia biên giới với Kenya. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa họ phải gánh thêm nợ giữa lúc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hối thúc họ kìm hãm chi tiêu. Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Kenya, chiếm khoảng 22% nợ bên ngoài của nước này tính đến tháng 12/2018.
Tình thế trên là điềm báo xấu cho di sản của Tổng thống Uhuru Kenyatta vì tuyến đường sắt mới là khoản đầu tư lớn nhất của Kenya kể từ khi giành quyền tự trị cách đây 5 thập kỷ.
Ông hiểu rằng nếu tìm nguồn vay khác, có thể với chi phí tốn kém hơn, khoản nợ mới sẽ nới rộng mức thâm hụt ngân sách của Kenya. Vì vậy, ông đang thuyết phục các nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng phần kết nối giữa tuyến đường sắt mới và tuyến đường sắt cũ. Trong lúc đó, Uganda sẽ phải đưa vào chương trình chi tiêu ngân sách thêm 205 triệu USD để tôn tạo tuyến đường sắt cũ nhưng họ vẫn chưa tiết lộ kế hoạch huy động nguồn tiền.
Năm 2013, khi Tổng thống Kenyatta đề nghị Bắc Kinh tài trợ vốn vay cho dự án đường sắt, ông đã phải chấp nhận điều kiện là các nhà thầu xây dựng Trung Quốc sẽ đảm nhận vai trò thi công. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cung cấp vốn vay cho dự án tuyến đường sắt có tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD chạy đến Nairobi. Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc là đơn vị thi công dự án, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc được chọn làm đơn vị vận hành tuyến đường sắt này. Doanh thu từ tuyến đường sắt mới sẽ được sử dụng để trả khoản vay nhưng những người chỉ trích cho rằng chi phí đầu tư quá cao nên dự án sẽ không tạo ra được lợi nhuận trong thời gian dài.
Năm 2016, nước láng giềng Tanzania đã phải hủy phương án vay vốn 7,6 tỷ USD từ Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt dài 2.200 km. Thay vào đó, họ ký hợp đồng thầu xây dựng với công ty Yapi Merkezi Insaat Ve Sanayi của Thổ Nhĩ Kỳ và công ty Engenharie & Construcao Africa của Bồ Đào Nha để xây dựng tuyến đường sắt ngắn hơn với chi phí trên mỗi km thấp hơn gần 50%.
Bắc Kinh thắt chặt giám sát các dự án BRI giữa lúc Trung Quốc chuyển trọng tâm của sáng kiến này từ các dự án dựa vào những khoản vay chi phí rẻ sang các dự án có tính khả thi thương mại chắc chắn hơn và có sự tham gia của khu vực tư nhân.
Trung Quốc vẫn ủng hộ dự án đường sắt ở Kenya nhưng đòi hỏi Kenya phải có kế hoạch huy động vốn mang tính bền vững, một nguồn tin từ dự án cho hay. Nguồn tin này giải thích rằng vì Trung Quốc giờ đây yêu cầu các dự án chất lượng cao và báo cáo nghiên cứu tính khả thi kỹ càng hơn, quy trình phê duyệt các khoản vay trở nên chậm hơn nhưng không có nghĩa là dự án đường sắt ở Kenya sẽ dừng lại.
Các bên liên quan trong chính phủ Trung Quốc và ngân hàng đang thảo luận những phương án cung cấp vốn vay cho dự án, nguồn tin tiết lộ.
Hồi tháng 5, Đại sứ Trung Quốc ở Kenya Wu Peng được nhật báo địa phương Daily Nation hỏi về kỳ vọng của Tổng thống Kenyatta trước khả năng các khoản vay cho phần còn thiếu của dự án đường sắt sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, ông Wu đã thẳng thắn trả lời rằng: "Tôi thực sự không biết những kỳ vọng này dựa vào đâu".
Hồng Vân (Theo Bloomberg)