Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm qua thông báo bắt một tàu dầu nước ngoài trên vịnh Ba Tư cùng 7 thành viên thủy thủ đoàn hôm 31/7. Đây là vụ bắt tàu thương mại thứ ba do Iran tiến hành chỉ trong một tháng qua ở Vùng Vịnh, sau khi Tehran bắt tàu hàng MT Riah treo cờ Panama hôm 13/7 và tàu dầu Stena Impero treo cờ Anh hôm 19/7.
Trong các vụ bắt tàu dầu này, IRGC đều sử dụng loại vũ khí rất hiệu quả trên biển của mình, đó là những chiếc xuồng vũ trang tốc độ cao, được gắn súng máy và chở theo lực lượng nhỏ, có thể dễ dàng vây quanh những tàu hàng lớn, có tốc độ chậm hơn rất nhiều.
Mỗi ngày có khoảng 100 tàu dầu đi qua Hormuz, eo biển nối Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman, vận chuyển gần 20 triệu thùng dầu. Hàng trăm tàu xuồng khác cũng đi qua eo biển chỉ rộng khoảng 21 hải lý (39 km) này, khiến Hải quân Hoàng gia Anh gọi nó bằng biệt danh "yết hầu Charlie".
Những tàu lớn đi qua eo biển Hormuz đều phải truyền tín hiệu về địa điểm của chúng nhưng quy tắc trên không áp dụng cho các tàu nhỏ hơn. Đường biển không giống như đường không, nơi tất cả máy bay phải tuân thủ kế hoạch bay và mệnh lệnh từ đài kiểm soát không lưu.
Thay vào đó, các tàu như tàu cá hay du thuyền không bị bắt buộc phải truyền tín hiệu định danh hoặc thông báo về hải trình, khiến việc phát hiện các xuồng tuần tra vũ trang của Iran ở eo biển Hormuz cực kỳ khó khăn.
Vậy nên, sẽ là bất khả thi nếu một chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Anh muốn nắm bắt bức tranh đầy đủ và chi tiết về mọi hoạt động ở eo biển Hormuz vì công việc đó cũng khó khăn giống việc một xe tuần tra cảnh sát giao thông phải theo dõi tất cả xe cộ trên đường.
Iran biết rõ điều này và đã xây dựng sức mạnh quân sự ở eo biển Hormuz trong nhiều thập kỷ nhằm chống lại sự can thiệp từ các lực lượng hải quân phương Tây. Cuộc khủng hoảng hiện nay ở eo biển Hormuz là rất khó dự báo và dễ thay đổi, chuyên gia đánh giá.
Phil Diacon, giám đốc công ty an ninh hàng hải Dryad Global, nhận định "Tehran giờ đây giống như một con hổ đói bị dồn vào chân tường với rất ít lựa chọn thoát thân".
Iran đã tích trữ số lượng lớn thủy lôi cũng như tên lửa và điều đáng lo ngại hơn cả là IRGC đang sở hữu 2.000 xuồng tấn công tốc độ cao hoạt động theo đội hình đông đúc. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu tại eo biển Hormuz chỉ trong vòng vài phút. Không chỉ được trang bị súng máy hạng nặng, bệ phóng hỏa tiễn, chúng còn có thể mang theo tên lửa chống hạm dẫn đường, có khả năng bắn chìm những con tàu nặng 1.500 tấn.
Dù không thể so sánh với các đối thủ từ phương Tây, hải quân Iran đã phát triển sức mạnh về kỹ thuật chiến tranh bất đối xứng, cho phép họ ứng phó hiệu quả với những đối thủ vượt trội. Vì vậy, ngay cả các chiến hạm hiện đại cũng khó có thể tự bảo vệ trước cuộc vây hãm của một đội hình xuồng vũ trang đông đảo, đặc biệt nếu chúng nhận được sự yểm trợ từ các tàu ngầm mini trang bị ngư lôi.
Giới phân tích tin rằng Iran đã phát triển thành công các tàu không người lái hoạt động trên biển, được điều khiển từ xa mang tên Ya Mahdi. Chúng có thể được chất đầy thuốc nổ và triển khai trong những cuộc tấn công chớp nhoáng, rất khó phát hiện qua hệ thống radar.
Các chiến hạm hải quân Anh đang có nhiệm vụ bảo vệ tàu bè vận tải hàng hóa của nước này hoạt động ở Vịnh Ba Tư cũng đối mặt với một cơn đau đầu khác: không thể nào dễ dàng xác định một tàu là tàu Anh hay không phải tàu Anh tại khu vực nhộn nhịp và hỗn loạn như vậy.
Sau khi IRGC hôm 19/7 bắt tàu dầu Stena Impero mang cờ Anh, nghị sĩ Iain Duncan Smith đã chất vấn vì sao London không chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ từ hải quân Mỹ để bảo vệ tàu Stena Impero. Tuy nhiên, vấn đề không phải Anh thiếu chiến hạm, mà mấu chốt nằm ở việc họ phải biết làm gì với chúng.
Diacon cho rằng Mỹ và Anh nên điều tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân đến eo biển Hormuz để kiểm soát Iran. Tuy nhiên, trong bối cảnh Tehran chỉ sử dụng xuồng vũ trang để thực hiện các cuộc bắt tàu chớp nhoáng, cả Washington và London đều rất khó hành động, bởi không bên nào mạo hiểm châm ngòi cho một cuộc xung đột ở "yết hầu Charlie".
Hồng Vân (Theo Daily Mail)