Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng tới khi ông tới dự hội nghị thượng đỉnh Kinh tế Quốc tế St Petersburg. Ông cũng sẽ thăm thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan khi dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 6 và diễn đàn an ninh khu vực ở Dushanbe, Tajikistan.
Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn trước đó ghé thăm Pakistan trước khi tới Hà Lan và Đức. Các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp này của lãnh đạo Trung Quốc diễn ra khi cuộc đối đầu thương mại với Mỹ tăng nhiệt, khiến giới quan sát nhận định rằng ông Tập có thể đang tìm cách thu hút sự ủng hộ của Nga và vùng Trung Á để đối phó với Washington.
Đây sẽ là lần thứ hai ông Tập tới diễn đàn ở St Petersburg và các nhà quan sát dự đoán lãnh đạo Trung Quốc sẽ tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh đối với chủ nghĩa đa phương, đồng thời quảng bá hình ảnh Trung Quốc là quốc gia đi đầu về hợp tác và mở cửa. Đó cũng là lần hội ngộ thứ hai của ông Tập với Tổng thống Putin trong hai tháng, sau cuộc gặp bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh cuối tháng 4.
"Nhiều khả năng các động thái tăng thuế với Trung Quốc và lệnh cấm Huawei của Mỹ sẽ xuất hiện trong các cuộc trò chuyện giữa hai lãnh đạo", phó giáo sư Artyom Lukin tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok cho biết.
Theo Lukin, nền kinh tế Nga gần đây phải gánh chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, khiến nước này khó trở thành thị trường và nguồn công nghệ thay thế mà Trung Quốc có thể đánh mất vì các "ngón đòn" của Mỹ. Tuy nhiên, Putin có thể "mang đến sự ủng hộ chính trị và tinh thần cho ông Tập".
"Điều đó cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, quốc gia đã hứng chịu áp lực lớn từ các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu trong hơn 5 năm qua", Lukin cho biết, đề cập đến các biện pháp cấm vận mà Washington và châu Âu áp đặt với Moskva sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Lãnh đạo Nga - Trung cũng có thể bàn về Venezuela, nơi thủ lĩnh đối lập được Mỹ hậu thuẫn Juan Guaido đang tìm cách lật đổ Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro, người được Moskva và Bắc Kinh ủng hộ.
"Moskva và Bắc Kinh không thể gây tổn tại nghiêm trọng cho Washington bằng cách tăng thuế hoặc từ chối cho công ty Mỹ tiếp cận công nghệ cao. Tuy nhiên, có nhiều lĩnh vực mà sự phối hợp về chính sách giữa Nga với Trung Quốc có thể gây tổn hại cho lợi ích Mỹ trong ngắn hạn hoặc dài hạn", Lukin nói. "Hai nước có thể tăng cường hỗ trợ chính quyền Maduro, làm nản lòng những nỗ lực của Mỹ trong việc lật đổ Tổng thống Venezuela".
Trung Quốc và Nga cũng sẽ tìm cách thúc đẩy quan hệ kinh tế. Thương mại song phương, chủ yếu thông qua hoạt động nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ của Trung Quốc, đạt 108 tỷ USD năm ngoái, vượt xa mục tiêu 200 triệu USD vào năm 2020 mà cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đặt ra 8 năm trước.
Li Lifan, một giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết thâm hụt thương mại song phương là vấn đề gây cản trở. "Đây là một trong những rào cản tiềm năng với quan hệ Nga - Trung và Bắc Kinh đang hy vọng giải quyết điều này khi đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu", Li nói.
Đề cập đến chiến tranh thương mại đang leo thang với Mỹ, Li nói rằng Trung Quốc sẽ tìm cách đa dạng hóa các khoản đầu tư và thị trường đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Nga và châu Âu. Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là sẽ không làm điều gì khiến căng thẳng với Washington tồi tệ hơn.
"Trung Quốc gần đây đang thực hiện cách tiếp cận rất thận trọng đối với Mỹ, cố tránh làm nóng cuộc đối đầu và nghiêm trọng hóa tình hình", Danil Bochkov, một thành viên của Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, cho biết. "Điều quan trọng với Trung Quốc là họ cần chứng minh rằng mình có một người bạn Nga đáng tin cậy, nhưng điều đó không nên được thực hiện theo cách khiêu khích công khai".
Stephen Blank, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Chính sách đối ngoại của Mỹ ở Washington, cho biết Bắc Kinh và Moskva cũng sẽ tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Washington "hết mức có thể" tại Trung Á, nơi Trung Quốc đã tăng cường tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Các lãnh đạo trong khu vực sẽ tập trung tại Bishkek vào tháng tới để dự hội nghị thượng đỉnh SCO, khối an ninh được thành lập năm 2001 gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan. Các thành viên khối này chiếm khoảng 23% diện tích đất đai trên thế giới, 45% dân số và 25% GDP toàn cầu.
Ngày càng có nhiều suy đoán rằng ông Tập sẽ gặp Thủ tướng mới tái đắc cử của Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh SCO. Nhà phân tích độc lập Namrata Goswami cho biết Ấn Độ sẽ tìm kiếm một cam kết với hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc và do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dẫn đầu trong các cuộc đàm phán SCO.
"Đây là điều đáng quan tâm đối với xu hướng coi 'nước Mỹ trên hết' của Tổng thống Donald Trump và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", Goswami nói.
Ngoài các cuộc thảo luận về hợp tác an ninh và chống khủng bố, SCO nhiều khả năng sẽ bàn về vấn đề Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tăng cường trừng phạt nước này, theo Eva Seiwert, nghiên cứu sinh tại Đại học Tự do ở Berlin.
Iran, quốc gia là quan sát viên của SCO, đã không thể gia nhập khối này vào năm 2008 vì lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, đơn xin gia nhập của Iran có thể được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này.
"Việc chính quyền Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018 đã tạo điều kiện cho Trung Quốc và Nga trong việc thể hiện vai trò đưa ra giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột", Seiwert nói. "Việc thảo luận về khả năng kết nạp Iran sẽ giúp các thành viên SCO chứng minh sự ủng hộ của họ đối với hợp tác đa phương và hòa bình. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ đối với Mỹ và nâng vị thế của SCO trong cộng đồng quốc tế".
Trong chuyến thăm Trung Á vào tháng 6, ông Tập nhiều khả năng cũng sẽ tập trung vào các mối quan hệ kinh tế. Khi gặp Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov ở Bishkek tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói Bắc Kinh sẽ tiếp tục "hỗ trợ Kyrgyzstan phát triển và xây dựng đất nước".
Li cho biết Trung Quốc có thể tăng đầu tư vào khu vực Trung Á, đặc biệt là trong các dự án xanh. "Trung Quốc sẽ tiếp tục mua nông sản của Trung Á như anh đào từ Uzbekistan và xây dựng các đập thủy điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng của khu vực. Đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió cũng sẽ tăng lên", Li nhận định.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang tìm mọi cách để chống lại sức ép ngày càng lớn từ Mỹ trong cuộc đối đầu thương mại, khiến "cuộc chiến dễ dàng" của Trump có thể trở nên khó khăn hơn. Với việc tăng hợp tác về chính trị, kinh tế với Nga và các quốc gia Trung Á, Trung Quốc càng có thêm động lực để không chịu lùi bước trước Mỹ, khiến chiến tranh thương mại giữa hai gã khổng lồ có thể tiếp tục kéo dài, gây hậu quả tiêu cực với nền kinh tế thế giới.
Huyền Lê (Theo SCMP)