Dave nhận được một cuộc gọi điện thoại thông báo rằng David, con trai 24 tuổi của ông, cũng là một cảnh sát, không xuất hiện trong ca làm việc. Ông mở cửa phòng con trai và thấy một bao súng rỗng nằm chỏng chơ.
Khi lái xe qua bãi đỗ của Câu lạc bộ thể thao Boston, Dave nhận ra chiếc xe của con nằm ở góc xa phía sau tòa nhà. Nhạc đồng quê phát ra từ radio trên xe của David. Bản năng cảnh sát mách bảo ông biết tình huống gì đang diễn ra.
"Con tôi ngồi trong xe, điện thoại để trên đùi. Tôi biết chuyện gì đã xảy ra, tôi chỉ không muốn chấp nhận", ông nói. David Betz đã dùng súng tự tử mà không để lại bất kỳ lời giải thích nào. Anh nằm trong số hàng trăm cảnh sát trên khắp nước Mỹ tự kết liễu đời mình, khiến cho người thân, đồng nghiệp và bạn bè đặt nhiều câu hỏi.
"Tôi luôn nghĩ mình là người nhận biết cảm xúc rất giỏi, có thể nhìn thấu mọi thứ và nhận ra ai đó cần giúp đỡ", Dave nói. "Nhưng tôi không thể nhận ra điều đó ở con trai mình, vì vậy, tôi rất đau lòng".
Một nghiên cứu toàn quốc Mỹ năm 2018 cho thấy số lượng nhân viên hành pháp chết vì tự tử nhiều hơn là khi làm nhiệm vụ. Các nhà nghiên cứu nói rằng cảnh sát có nguy cơ tự tử cao hơn bất kỳ ngành nghề nào khác do căng thẳng, áp lực phải che giấu cảm xúc và dễ dàng tiếp cận với vũ khí chết người.
Cứ 100.000 người Mỹ thì 13 người chết vì tự tử. Nhưng với nghề cảnh sát, tỷ lệ đó là 17. Năm ngoái, 167 cảnh sát Mỹ tự kết liễu đời mình. 130 người đã tự tử trong 8 tháng đầu năm nay.
Những con số này chỉ cho thấy những vụ tự tử được xác nhận. Các nhà hoạt động cho biết con số thực tế có thể cao hơn vì một số gia đình không báo cáo nguyên nhân cái chết hoặc mô tả là "tai nạn".
Thành phố New York đã trở thành tâm điểm chú ý trong thời gian gần đây khi có 9 vụ cảnh sát tự tử. Ủy viên Sở Cảnh sát New York (NYPD) James O'Neill tuyên bố một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang diễn ra trong lực lượng.
"Chúng tôi cần thay đổi văn hóa", ông nói hồi tháng 6. "Chúng tôi cần đảm bảo rằng các cảnh sát được chăm sóc sức khỏe tâm thần".
Nhưng cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục ở thành phố. Cảnh sát Robert Echeverria, 56 tuổi, dùng súng tự sát hồi tháng 8, một ngày sau khi đồng nghiệp Johnny Rios, 35 tuổi, tự kết liễu đời mình.
Em gái ông, Eileen Echeverria, cho biết đã liên lạc với cơ quan xử lý vấn đề nội bộ của cảnh sát để trình bày lo ngại về sức khỏe tâm thần của anh mình nhiều lần, gần đây nhất vào tháng 6, trước khi ông qua đời. Cơ quan phản hồi rằng sẽ xem xét, nhưng lại trả súng cho ông trong vòng hai ngày. Eileen cho rằng các lãnh đạo cấp cao của sở cảnh sát có phần lỗi trong vụ tự tử của ông.
Các thành phố và bang khác trên nước Mỹ cũng gặp vấn đề tương tự. California, Florida, New York và Texas đã báo cáo ít nhất 10 vụ tự tử của cảnh sát vào năm ngoái. Đầu năm nay, Sở Cảnh sát Chicago, lực lượng có 13.000 cảnh sát, khởi động chiến dịch chăm sóc sức khỏe tâm thần, tăng gấp đôi số lượng nhà trị liệu và mở chiến dịch video cho thấy các cảnh sát cao cấp thừa nhận đã phải vật lộn với vấn đề sức khỏe tâm thần. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua khoản tiền 7,5 triệu USD một năm cho công tác ngăn cảnh sát tự sát và kiểm tra sức khỏe tâm thần.
"Dịch tự tử" không chỉ gói gọn trong lực lượng cảnh sát Mỹ. Xu hướng tương tự đang xuất hiện ở các quốc gia cho phép cảnh sát mang súng. Năm ngoái, tỷ lệ cảnh sát tự tử ở Pháp cao hơn 36% tỷ lệ của người dân nói chung. Năm nay, 64 sĩ quan Pháp tự kết liễu đời mình.
Trong khi đó, khoảng 21-23 cảnh sát tự tử ở Anh trong khoảng thời gian 2015-2017. Không giống như Pháp, hầu hết cảnh sát Anh không mang súng. Ít nhất 6 trong số 9 vụ tự tử ở NYPD liên quan đến súng, nhiều người sử dụng chính vũ khí được cấp phát của họ.
Câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao tỷ lệ cảnh sát tự tử rất cao?
John Violanti, từng làm cảnh sát 23 năm và là giáo sư tại Đại học Buffalo, chỉ ra bản chất công việc là một phần nguyên nhân dẫn đến tự tử. "Họ nhìn thấy những đứa trẻ bị lạm dụng, xác chết, những vụ tai nạn giao thông khủng khiếp. Những sự kiện căng thẳng và đau thương chồng chất", Violanti nói.
"Nếu bạn phải mặc áo chống đạn trước khi đi làm, đó là dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng bị bắn, bị giết hoặc gia đình bạn cũng có nguy cơ tương tự. Vì vậy, tất cả những điều này đè nặng lên tâm lý và sau một thời gian, chúng sẽ làm tổn thương các cảnh sát".
Ông cũng chỉ ra rằng có những bất đồng đang tạo ra khoảng cách giữa các cơ quan hành pháp và cộng đồng mà họ bảo vệ. "Chúng ta có bất đồng chính trị, bất đồng xã hội, những phe nhóm luôn công kích lẫn nhau. Cảnh sát bị mắc kẹt ở giữa", Violanti nói. "Vì vậy, đôi khi họ bị lôi kéo theo những hướng khác nhau mà không thực sự biết vai trò của mình là gì".
Mark DiBona, cảnh sát 33 năm kinh nghiệm, bị chứng rối loạn căng thẳng sau biến cố (PTSD). Ông từng tình nguyện ở lại New York trong ba tuần, 4 ngày sau vụ khủng bố 11/9. Nỗi ám ảnh từ vụ tấn công kết hợp với ký ức về một vụ nạn nhân chết cháy trong xe khiến ông bị trầm cảm. "Tôi muốn chết. Tôi không muốn sống tiếp vì cảm thấy mình chẳng giúp được gì", ông kể.
Ngồi ở ghế trước xe tuần tra, Mark viết một lá thư bày tỏ sự phẫn nộ với sở cảnh sát cùng một lá thư xin lỗi mẹ và vợ rồi đặt súng vào họng. Một đồng nghiệp tình cờ đi qua đã kịp can thiệp trước khi anh bóp cò.
Một trong những rào cản lớn nhất khiến cảnh sát ngại tìm kiếm sự giúp đỡ là mọi người luôn có quan niệm cảnh sát phải mạnh mẽ hơn người thường. "Chúng tôi mang súng, dùi cui, áo chống đạn. Tất cả những thứ đó để bảo vệ bản thân", ông nói. "Nhưng chúng tôi được huấn luyện rất ít để bảo vệ mình về mặt tâm thần".
Chồng của Janice McCarthy, Paul, tự tử vào tháng 7/2006 sau khi làm cảnh sát 21 năm ở Massachusetts. Ông bị PTSD sau khi chứng kiến ba vụ tai nạn xe hơi.
"Ông ấy giúp mọi người thay lốp xe, ông ấy cứu những đứa trẻ sinh non. Nhưng ông ấy không thể tự cứu mình vì không ai hỏi 'có chuyện gì vậy, anh ổn chứ?".
Đối với những người đang che giấu các vấn đề tâm thần, Janice có một thông điệp: "Nếu ngày mai anh không còn là cảnh sát nữa, anh là ai? Anh có phải là người chồng, người cha không? Anh cần phải nghĩ đến nhiều khía cạnh và chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính mình", Janice nói. "Tôi muốn họ nhớ rằng họ không chỉ là một cảnh sát và mạng sống của họ có ý nghĩa hơn công việc này".
Phương Vũ (Theo BBC)