Ở ngoại ô thủ đô Beirut của Lebanon, Abu Shawkat điều hành một văn phòng chuyên thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Tuy nhiên, người đàn ông giấu danh tính thật này hoạt động một cách bí mật, không tiết lộ cho khách hàng địa chỉ văn phòng, mà chỉ hẹn họ tới một con phố gần đó, theo Atlantic.
Shawkat có đến điểm hẹn hay không tùy thuộc vào cảm nhận của anh ta với khách hàng. Anh ta là một mắt xích trong hệ thống hawala chuyên chuyển tiền ở những nơi mạng lưới ngân hàng không thể với tới hoặc tính phí quá cao. Hawala từng được các dự án do Mỹ và Anh điều hành sử dụng để chuyển hàng triệu USD cho những tổ chức nhân đạo để trả lương cho nhân viên ở Syria, hoặc để người dân nước này nhận kiều hối từ thân nhân ở nước ngoài.
Nếu Shawkat đồng ý giao dịch, khách hàng sẽ đưa tiền cho anh ta và cung cấp mật khẩu. Anh ta sau đó sẽ đưa cho họ thông tin liên lạc của một đầu mối hawala trong thành phố, nơi tiền của họ sẽ được chuyển đến. Bất cứ ai đọc đúng mật khẩu này sẽ được đầu mối đó trao lại đúng số tiền đã chuyển. Bằng phương thức này, tiền mặt được chuyển đi khắp nơi ở Trung Đông mà không có thông tin xác thực về người gửi, người nhận hay mục đích sử dụng của nó.
Đây cũng chính là những gì đang diễn ra trong mạng lưới "tài chính đen" khổng lồ của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nó giúp phiến quân nhận và chuyển hàng triệu USD mỗi tuần bằng những phương thức tinh vi, ngoài khả năng giám sát của nhà chức trách các nước.
Ngay cả khi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đã tiêu diệt hoàn toàn phiến quân IS tại sào huyệt cuối cùng ở Syria, "đế chế tài chính" của IS vẫn tồn tại mà Mỹ và các đồng minh khó có thể dẹp bỏ. Lãnh đạo tối cao IS và nhiều thủ lĩnh cấp cao vẫn chưa bị bắt, khiến các nhà quan sát dự đoán rằng phiến quân đang rút vào hoạt động bí mật sau khi bị đánh bại ở Syria.
Các chuyên gia ước tính IS vẫn có thể tiếp cận hàng trăm triệu USD trong mạng lưới hawala của mình và tiếp tục vận hành những phương cách kiếm tiền đã áp dụng suốt nhiều năm qua tại Iraq và Syria. Nguồn tài chính dồi dào này có thể giúp IS níu giữ lòng trung thành của những phần tử cốt cán và gieo kinh hoàng bằng những vụ tấn công khủng bố trong thời gian tới.
Bình luận viên David Kenner cảnh báo rằng việc xóa sổ vùng kiểm soát cuối cùng trên thực địa của IS là một con dao hai lưỡi. Mất địa bàn, IS sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều để kiếm tiền từ hai nguồn thu chính là khai thác các mỏ dầu và đánh thuế người dân dưới ách cai trị của chúng. Theo một quan chức cấp cao giấu tên của Iraq, hai nguồn thu này từng đem tới cho IS gần một triệu USD mỗi ngày, giúp chúng trở thành tổ chức khủng bố giàu có nhất thế giới.
Nhưng mặt khác, khi không còn kiểm soát bất cứ vùng đất nào, IS sẽ không phải tiếp tục chi tiền cho bộ máy quản lý hành chính và cai trị "đế chế Hồi giáo", cho phép chúng dốc toàn lực về kinh tế cho hoạt động khủng bố trên toàn thế giới. Một quan chức giấu tên của Bộ Tài chính Mỹ cho hay IS đang ngày càng hoạt động "trong vòng bí mật" giống al-Qaeda ở Iraq, không còn tốn nguồn lực cho các hoạt động cai trị lãnh thổ công khai như trước kia.
Ngoài ra, dầu mỏ vẫn là nguồn thu quan trọng với IS. Dù không còn ngang nhiên chiếm đoạt các mỏ dầu và xuất lậu ra nước ngoài, phiến quân vẫn có thể kiếm tiền thông qua hoạt động đe dọa, bảo kê mạng lưới vận chuyển dầu khắp Trung Đông.
Sau 5 năm cướp bóc các vùng đất giàu tài nguyên ở Iraq và Syria, IS đang "ngồi trên một núi tiền". "Những gì chúng tôi biết là chúng đã tích lũy được một lượng tiền mặt khổng lồ cùng các tài sản khác", Howard Shatz, chuyên gia kinh tế cấp cao tại RAND, nói. "Nhưng chúng tôi không biết số tiền đó đã đi đâu".
Một phần trong số tiền này dường như đã được IS đầu tư vào các hoạt động kinh doanh hợp pháp. Nhà chức trách Iraq hồi tháng 10 năm ngoái tiến hành một loạt vụ đột kích ở thành phố Erbil và phát hiện những tài liệu cho thấy IS đã đổ tiền vào mọi thứ, từ hoạt động kinh doanh bất động sản cho tới buôn bán xe hơi.
Những doanh nghiệp này thường được điều hành bởi những kẻ hợp tác với IS không phải vì tư tưởng cực đoan, mà là để kiếm lời. Lợi nhuận mà họ thu được từ các hoạt động hợp pháp sau đó sẽ được chia chác cho IS theo tỷ lệ đã thống nhất từ trước.
Quan chức an ninh Iraq cho hay nhiều tài sản đã được IS chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt các công ty chuyển tiền ở Syria và Iraq có liên hệ với phiến quân. Số tài sản này gồm tiền mặt được các cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ và một lượng lớn vàng mà phiến quân đã mua.
Giới quan sát cho rằng Ankara có thể làm ngơ với các giao dịch này, bởi IS từng kiếm được hàng triệu USD bằng cách bán lậu dầu mỏ cho các nhà buôn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch đột kích ở Erbil của Iraq nhắm vào mạng lưới tài chính được xây dựng bởi Fawaz Muhammad Jubayr al-Rawi, một thủ lĩnh IS bị Bộ Tài chính Mỹ coi là kẻ sở hữu và điều hành đường dây đổi tiền từ Syria tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara nhiều lần bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ "dung dưỡng" cho các phiến quân IS hay tài sản của nhóm này.
Các quan sát viên cho rằng khi rút vào hoạt động ngầm, IS có thể áp dụng những chiến thuật của al-Qaeda trước đây để tiếp tục kiếm tiền từ những bất ổn ở Iraq và Syria. Trong giai đoạn 2008-2012, al-Qaeda hoạt động như một tổ chức mafia ở Iraq, khi "hớt tay trên" các hợp đồng xây dựng, đặc biệt là ở thành phố Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh, đánh cắp hàng hóa và bán lại trên thị trường, hay bắt cóc, tống tiền các gia đình giàu có.
Dù phải hoạt động lén lút và thường xuyên bị trấn áp, al-Qaeda được cho là đã thu được gần một triệu USD mỗi tháng chỉ riêng ở tỉnh Nineveh trong giai đoạn cuối năm 2008, đầu năm 2009.
IS hiện nay còn có điều kiện thuận lợi hơn al-Qaeda. Khu vực bị chiến tranh tàn phá nặng nề ở miền bắc Iraq cần được tái thiết bằng những dự án xây dựng quy mô lớn. Trong một hội nghị năm ngoái, các quốc gia đã cam kết tài trợ 30 tỷ USD để tái thiết vùng đất này, con số mà chính phủ Iraq cho là vẫn quá thấp. Việc bơm nguồn tiền khổng lồ như vậy vào khu vực sẽ là cơ hội để IS kiếm chác từ sự tham nhũng của quan chức địa phương.
Các tài liệu được giải mật cho thấy nhiều quan chức cấp cao Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd từng giao dịch với al-Qaeda trong năm 2009, nên các chuyên gia lo ngại rằng việc giám sát nguồn vốn hàng chục tỷ USD cho các dự án xây dựng quy mô quá lớn ở miền bắc Iraq sẽ còn khó khăn hơn.
Ở thời kỳ đỉnh cao, IS kiểm soát tới 30% lãnh thổ Iraq và lập hồ sơ quản lý 7-8 triệu người. Những hồ sơ này có thể cho phép phiến quân khống chế, tống tiền những người từng nằm dưới ách cai trị của chúng.
"Nếu từng sống ở khu vực do IS kiểm soát, bạn sẽ bị chúng nắm rõ địa chỉ, mức thu nhập và lĩnh vực làm ăn", Shatz nói. "Chúng có thể tới gặp một doanh nhân và nói ‘Anh chắc là rất tự hào về con trai mình. Thật tiếc nếu có gì không hay xảy ra với nó’".
Giống như các tập đoàn đa quốc gia, IS cũng biết cách "đa dạng hóa" nguồn thu của mình. Khi Mỹ và các đồng minh tìm cách cắt đứt một nguồn thu, chẳng hạn như hoạt động bắt cóc tống tiền cá nhân, IS có thể chuyển sang đe dọa, tống tiền các doanh nghiệp.
Bên cạnh chiến dịch không kích yểm trợ SDF trên chiến trường, Mỹ từ lâu đã phát động cuộc chiến âm thầm nhắm vào "đế chế tài chính" của IS. Cuộc chiến này không sử dụng bom đạn như trên thực địa, mà dùng tới những công cụ như cấm vận các công ty có làm ăn với IS và lặng lẽ phối hợp với chính phủ các nước ngăn những thực thể này tiếp cận với hệ thống tài chính quốc tế.
"Đế chế tài chính" của IS không phải là bất khả chiến bại và vẫn tồn tại những tử huyệt có thể bị khai thác. Để vận hành mạng lưới, IS phải dựa vào các hồ sơ, sổ ghi chép thủ công và một khi rơi vào tay liên quân, chúng có thể trở thành đầu mối quan trọng để họ bóc gỡ các mắt xích trong đường dây.
Tuy nhiên, bình luận viên Kenner cho rằng sẽ không có một "giải pháp thần kỳ" nào có thể đảm bảo thắng lợi cho cuộc chiến dài hơi này. Lợi thế của Shawkat trong các giao dịch ngầm của mình là anh ta có thể chuyển tiền tới những nơi mà ngân hàng các nước không thể tiếp cận và mô hình kinh doanh của IS cũng vận hành theo cách tương tự, nhưng ở quy mô lớn hơn rất nhiều.
Lợi thế của IS chính là sự đổ vỡ của hệ thống quản lý nhà nước ở những khu vực bất ổn, nơi chúng có thể kiếm tiền để tạo ra sản phẩm chính là bạo lực chính trị. Tình trạng bạo lực này lại tiếp tục làm suy yếu các chức năng của nhà nước, tạo thêm cơ hội kiếm tiền cho tổ chức khủng bố.
Chiến thắng quân sự trước IS có thể là dịp để Mỹ và các đồng minh ăn mừng, nhưng nó cũng cho phép phiến quân bắt đầu chú trọng vào chiến lược kinh tế từng giúp chúng kiếm được hàng tỷ USD trong những năm qua. "Đừng mong rằng các hoạt động làm ăn của phiến quân sẽ biến mất trong thời gian ngắn", Kenner nhấn mạnh.
Theo Atlantic