Quan hệ ngoại giao vốn căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela đạt đến mức thấp mới sau khi Nhà Trắng hôm 23/1 công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của quốc gia Nam Mỹ này, theo CNN. Maduro đáp trả bằng cách cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington và đóng cửa đại sứ quán, lãnh sự quán của Mỹ.
Mỹ là khách hàng lớn nhất và quan trọng nhất của ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela, chiếm 39% sản lượng xuất khẩu trong năm 2018, theo ClipperData. Venezuela là nước cung cấp dầu lớn thứ tư vào Mỹ trong tháng 10/2018. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đang xem xét trừng phạt Maduro, bao gồm các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ.
Các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ của nước này, nhưng Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ. Việc ngừng nhập khẩu dầu thô từ Venezuela có thể dẫn đến giá dầu tăng và gây sức ép cho các nhà máy lọc dầu Mỹ vốn tiêu thụ hàng trăm nghìn thùng dầu Venezuela mỗi ngày.
"Mỹ sẽ chịu tổn hại nặng nề nếu họ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela", Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData cho biết.
Sản lượng dầu của Venezuela đã xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua do sự suy giảm nhanh chóng của ngành công nghiệp năng lượng. Ngân hàng đầu tư toàn cầu RBC Capital Markets đang kêu gọi ngành khai thác dầu của Venezuela giảm nửa triệu thùng mỗi ngày vào năm 2019. Tuy nhiên, RBC cảnh báo các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến con số đó tăng thêm hàng trăm nghìn thùng.
"Các lệnh trừng phạt ngành dầu mỏ sẽ khoét sâu thêm nền kinh tế hỗn loạn vốn phụ thuộc tới 90% vào xuất khẩu dầu của Venezuela", Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC, nhận định. Venezuela cũng đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo khi GDP của nước này giảm 37% từ năm 2012 đến 2017 và lạm phát được dự đoán sẽ đạt tới 10 triệu phần trăm vào năm 2019.
Những khách hàng nhập khẩu dầu khác của Venezuela là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Venezuela không nhận được bất kỳ khoản tiền mặt nào từ hai nước này vì nó được dùng để trả những món nợ khổng lồ của Venezuela. Giới chuyên gia cho rằng lệnh trừng phạt sẽ cắt đứt "huyết mạch" của nền kinh tế Venezuela.
Thị trường dầu mỏ phản ứng trầm lặng trước tình hình hỗn loạn ở Venezuela trong tuần này, nguyên nhân có thể bởi không ai biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Lo ngại giá dầu có thể tăng lên 100 USD/ thùng, Trump đã có lập trường mềm mỏng ngoài mong đợi đối với các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trong năm qua. Cách tiếp cận này dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trên thị trường dầu và giá dầu giảm.
"Có rất nhiều hoài nghi trên thị thường về việc Trump có áp lệnh trừng phạt với ngành dầu mỏ Venezuela hay không nhưng tôi cho rằng khả năng áp lệnh trừng phạt rất lớn", Joe McMonigle, cựu quan chức Bộ Năng lượng dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, nói.
McMonigle, hiện là nhà phân tích chính sách năng lượng cao cấp tại Hedgeye Potomac Research, cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt làm tăng nguy cơ dẫn tới cuộc khủng hoảng lớn hơn, như nội chiến hoặc công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela phải ngừng hoạt động.
Các nhà phân tích cũng cho rằng các lệnh trừng phạt mạnh tay của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela sẽ khiến giá dầu tăng. Dù sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục, nước này vẫn không thể tự túc. Các nhà máy lọc dầu Bờ Vịnh không thể chỉ hoạt động dựa trên dầu đá phiến của Mỹ. Để tạo ra xăng, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm khác, các nhà máy lọc dầu cần lượng dầu thô đặc. Và họ đã tìm thấy nguồn dầu thô vừa đặc vừa rẻ ở Venezuela.
Dù sản lượng dầu của Venezuela đã giảm mạnh, nước này vẫn vận chuyển 506.000 thùng mỗi ngày đến Mỹ hồi tháng 10/2018. Những nước xuất khẩu dầu lớn nhất tới Mỹ là Canada, Arab Saudi và Mexico.
Giới phân tích cảnh báo các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela có thể làm tăng giá dầu thô, gây khó khăn cho các nhà máy lọc dầu ở Mỹ vì họ phải tìm nguồn dầu thô khác. "Các lệnh trừng phạt sẽ khiến các nhà máy lọc dầu Bờ Vịnh của Mỹ trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất", nhà phân tích Paola Rodriguez-Masiu đánh giá.
Venezuela cũng phải dựa vào các sản phẩm của Mỹ để duy trì sự phát triển cho ngành công nghiệp dầu mỏ. Dầu thô Venezuela đặc đến mức phải được pha trộn với naphta, một hỗn hợp hydrocarbon lỏng được sử dụng để pha loãng dầu, mới có thể tinh luyện. Các biện pháp trừng phạt có thể ngăn việc bán naphta của Mỹ cho Venezuela. Venezuela có thể tìm thấy sự thay thế ở nơi khác, nhưng nó sẽ đắt hơn và xa hơn.
Chưa rõ liệu áp lực bên ngoài có thể gây ảnh hưởng đến việc nắm quyền lực của Maduro hay không. Giới lãnh đạo quân sự cấp cao Venezuela vẫn trung thành với ông và ông cũng được Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Trung Quốc ủng hộ.
RBC cảnh báo việc sản xuất dầu của Venezuela có thể bị ngừng trong thời gian dài. "Con đường trở lại của Venezuela sẽ vô cùng gian nan vì thảm họa kinh tế và nhân đạo", Croft nói.