Giới chuyên gia cảnh báo các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên cho thấy nước này sở hữu những hệ thống vũ khí có khả năng đánh bại đòn tấn công phủ đầu của lực lượng Mỹ và đồng minh.
"Bình Nhưỡng muốn sở hữu khả năng triển khai chớp nhoáng các tổ hợp tên lửa và phóng đạn trong thời gian cực ngắn, không cho Washington và Seoul có cơ hội tấn công bệ phóng trước khi chúng vào trạng thái chiến đấu", Bruce Bennett, chuyên gia quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu RAND có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Triều Tiên hôm 11/8 tuyên bố đã thử nghiệm "thêm một hệ thống vũ khí mới" với nhiều tính năng tiên tiến, chưa từng có trên các khí tài trong biên chế nước này. Đây là vụ phóng tên lửa thứ năm trong hai tuần của Triều Tiên, dường như nhằm phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn diễn ra từ đầu tháng 8.
Trong loạt thử này, Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23, loại vũ khí được đánh giá là phiên bản sao chép từ mẫu 9K720 Iskander do Nga phát triển.
"Loại tên lửa này trang bị động cơ sử dụng nhiên liệu rắn. Chúng có thể triển khai chiến đấu nhanh hơn tên lửa dùng nhiên liệu lỏng vì không mất thời gian nạp nhiên liệu, trong khi quá trình bảo quản cũng đơn giản hơn", Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian của Mỹ, cho biết.
Chuyên gia Bennett cho rằng tên lửa đạn đạn dùng nhiên liệu rắn sẽ rút ngắn đáng kể thời gian chuyển trạng thái chiến đấu. "Quá trình nạp nhiên liệu lỏng thường kéo dài từ 30 phút trở lên, giúp đối phương sớm phát hiện dấu hiệu tên lửa sắp khai hỏa. Điều đó khiến khu vực chuẩn bị kỹ thuật và bệ phóng rất dễ trở thành mục tiêu tập kích phủ đầu", Bennett nói thêm.
Thông số chi tiết của hệ thống KN-23 vẫn được Bình Nhưỡng giữ bí mật, nhưng đợt thử gần đây cho thấy nó đủ sức bao trùm toàn bộ bán đảo Triều Tiên. "Các quả đạn đủ sức tấn công mục tiêu ở khoảng cách tới 700 km, con số này có thể thay đổi tùy theo khối lượng đầu đạn", giáo sư Kim cho hay.
Bãi phóng tên lửa tại tỉnh Nam Hwanghae chỉ cách sân bay quân sự Cheongju, nơi triển khai phi đội siêu tiêm kích F-35A của Hàn Quốc, khoảng 300 km. Trong khi đó, Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đặt tại căn cứ Seongju cũng chỉ cách bệ phóng Triều Tiên gần 400 km.
Tầm bắn này cũng giúp Triều Tiên đa dạng hóa bãi phóng, cho phép họ phân tán lực lượng nhằm bảo đảm khả năng đáp trả trong mọi đòn phủ đầu quy mô lớn. "Việc phóng tên lửa từ phía tây, cách xa các bãi phóng ở bờ biển phía đông, cho thấy Triều Tiên đang phát ra những thông điệp răn đe cứng rắn tới Mỹ và Hàn Quốc", chuyên gia Kim Yeoul-soo tại Viện Quân sự Hàn Quốc nhận xét.
Trong vụ phóng ngày 10/8, Triều Tiên đã thử hệ thống vũ khí có nhiều đặc điểm giống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) của Mỹ và tên lửa đất đối đất chiến thuật Hyunmoo-2B của Hàn Quốc. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA không nêu cụ thể bản chất của loại vũ khí này, trong khi Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi đó là "thử nghiệm phát triển vũ khí thông thường".
Một số chuyên gia Hàn Quốc nhận định tên lửa Triều Tiên vẫn có một số tính năng khác biệt với ATACMS và Hyunmoo-2B như mang được nhiều đầu đạn để tấn công đồng loạt các mục tiêu khác nhau.
Cả loại vũ khí này và KN-23 đều đặt trên các xe vận tải kiêm bệ phóng (TEL), tăng đáng kể khả năng cơ động so với những bệ phóng tên lửa cố định. Chúng có thể ẩn mình tại các địa điểm được ngụy trang kín đáo, trước khi di chuyển tới bãi phóng, khai hỏa và rời trận địa chỉ trong vài phút.
"Các loại tên lửa này đặt ra thách thức lớn với khả năng cảnh báo sớm của tình báo Mỹ - Hàn, cũng như đe dọa năng lực đánh phủ đầu của liên quân. Chúng có thể được coi là vũ khí thông thường giá rẻ với hiệu suất cao, giúp Triều Tiên răn đe các lực lượng tại Hàn Quốc và Nhật Bản", chuyên gia vũ khí Kim Dong-yub thuộc Đại học Kyungnam của Hàn Quốc nhấn mạnh.
Vũ Anh (Theo Yonhap)