Cựu tổng thống Peru Alan Garcia hôm qua tự sát sau khi bị cảnh sát tới nhà thực hiện lệnh bắt để phục vụ cuộc điều tra một vụ nhận hối lộ. Lúc các sĩ quan cảnh sát tới trước cửa nhà riêng của ông ở thủ đô Lima, Garcia đã khóa cửa phòng ngủ rồi dùng súng bắn vào đầu và qua đời tại bệnh viện.
Cáo buộc nhằm vào cựu tổng thống Garcia có liên quan tới tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht. Công ty này năm 2016 thừa nhận đã hối lộ tổng cộng 800 triệu USD cho các quan chức khắp khu vực Mỹ Latin để đổi lấy những hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng béo bở.
Tiết lộ về hành vi hối lộ của tập đoàn xây dựng Brazil đã mở ra các cuộc điều tra làm rúng động cả Mỹ Latin, khi nhiều lãnh đạo trong khu vực bị cáo buộc có dính líu tới Odebrecht.
Garcia, 69 tuổi, giữ chức tổng thống Peru trong hai nhiệm kỳ 1985-1990 và 2006-2011. Tên tuổi ông gắn liền với cả hai thời kỳ tăng trưởng và suy thoái của nền kinh tế Peru. Năm ngoái, trước cáo buộc nhận hối lộ từ các công tố viên, ông đã tới đại sứ quán Uruguay tại Lima để xin tị nạn nhưng bị từ chối.
Sáng qua, nhà chức trách Peru ra lệnh tạm giam Garcia trong 10 ngày để điều tra cáo buộc rửa tiền, lạm dụng quyền lực và thông đồng. Chiều cùng ngày, những người ủng hộ cựu tổng thống Peru tập trung bên ngoài bệnh viện nơi ông được đưa tới để bày tỏ nỗi đau buồn trước cái chết của ông.
Khi thông tin về sự cấu kết giữa Odebrecht và các quan chức Mỹ Latin, trong đó có Peru, vỡ lở, cựu tổng thống Garcia bị cáo buộc nhận hối lộ để trao hợp đồng xây dựng dự án tàu điện ngầm ở Lima cho tập đoàn Brazil trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông.
Ngoài Garcia, ba cựu tổng thống Peru khác cũng đang bị điều tra vì có liên quan tới hoạt động đưa hối lộ của Odebrecht.
Người tiền nhiệm của Garcia là Alejandro Toledo bị cáo buộc nhận hàng triệu USD từ Odebrecht trong giai đoạn 2001-2006. Sau khi bị nhà chức trách Peru phát lệnh truy nã, Toledo trốn tới Mỹ và sống lưu vong. Peru đã nhiều lần yêu cầu Mỹ dẫn độ Toledo về nước nhưng chưa được đáp ứng.
Cựu tổng thống Ollanta Humala, nắm quyền trong nhiệm kỳ 2011-2016, bị điều tra do nhận hối lộ từ Odebrecht khi tổ chức chiến dịch tranh cử. Ông từng bị bắt nhưng đã được cho tại ngoại.
Cựu tổng thống Pedro Pablo Kuczynski hồi tháng ba năm ngoái phải từ chức sau các cáo buộc tham nhũng liên quan tới dự án xây đường cao tốc xuyên biển và nhà máy thủy điện Olmos do tập đoàn Odebrecht đứng sau.
Tại Brazil, cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã bị tuyên án 12 năm tù vì tội danh tham nhũng và rửa tiền. Ông cũng bị cáo buộc nhận hối lộ từ Odebrecht.
Ở Ecuador, cựu phó tổng thống bị tuyên án 6 năm tù vì đút túi hàng triệu USD từ tập đoàn xây dựng tai tiếng của Brazil.
Tại Colombia, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra nhằm yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Nestor Humberto Martinez từ chức. Ông hiện dẫn dắt cuộc điều tra Odebrecht nhưng từng giữ vai trò cố vấn cho một trong các đối tác của công ty này.
Odebrecht bắt đầu triển khai các dự án ở Peru từ năm 1979. Công ty nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những công ty xây dựng chính của Peru, đảm nhận những dự án xây cầu, đường, đập, đường cao tốc quan trọng.
Công ty đã xây con đường trị giá 4,5 tỷ USD nối các cảng ven bờ Thái Bình Dương của Peru với lưu vực sông Amazon và hệ thống tàu điện ngầm ở Lima. Odebrecht cũng đứng sau một dự án thủy lợi trị giá 1,9 tỷ USD mang tên Chavimochic giúp hỗ trợ tưới tiêu cho một phần sa mạc ở bờ phía bắc Peru, mở đường cho ngành xuất khẩu măng tây và dâu tây.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)