Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 3/12 gặp nhau bên lề hội nghị lãnh đạo NATO ở London, Anh. Như thường lệ, Trump có lẽ đã sẵn sàng cho những gì thường diễn ra trong các cuộc gặp tại Nhà Trắng: Ông sẽ nói rất nhiều, trong khi lãnh đạo kia chỉ biết cười gượng trước những câu bông đùa, châm chọc và đả kích của Tổng thống Mỹ.
Nhưng cuộc gặp ở London không như những gì Trump nghĩ. Sau 45 phút đối thoại, lãnh đạo nước Pháp đã xoay chuyển tình thế, đẩy ông vào thế phòng thủ khi đề cập đến tầm nhìn cho NATO cũng như cách ông xử lý cuộc xung đột quân sự liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Macron còn gạt đi câu đùa của Trump về việc gửi chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ Syria về Pháp.
"Ông có muốn vài chiến binh IS tử tế không?", Trump nói, rướn người về phía Macron và khẳng định "nhiều" tay súng IS đã đến Pháp. "Tôi có thể chuyển chúng cho ông".
"Hãy nghiêm túc", Tổng thống Macron đáp, một tay giữ chặt trên đầu gối. "Rất nhiều chiến binh trên mặt trận là những tay súng đến từ Syria và Iraq".
Khoảnh khắc kịch tính này làm bật lên sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai lãnh đạo thế giới, trước đây thường được biết đến với những cái ôm chặt và những cú bắt tay dài, nhưng nay trở nên lạnh nhạt trước hàng loạt vấn đề gây chia rẽ, từ chống khủng bố đến chính sách thương mại.
"Tổng thống Trump không thích bị đối đầu trực diện và không biết cách phản ứng ra sao khi bị đặt vào tình thế đó", Heather A. Conley, giám đốc chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định. "Macron hiểu điều này. Ông ấy đã quyết định rằng cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công".
Cả ngày hôm qua, Tổng thống Mỹ xuất hiện nổi bật trên truyền thông với hàng loạt phát ngôn và tuyên bố gây chú ý. Trump chỉ trích các thành viên đảng Dân chủ "không yêu nước" vì ủng hộ cuộc điều tra luận tội ông và ngụ ý rằng ông có thể trì hoãn thỏa thuận thương mại với Trung Quốc cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Dù vậy, Tổng thống Pháp Macron vẫn là tâm điểm mà ông chủ Nhà Trắng hướng đến.
Macron trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Economist hồi tháng 11 nói rằng NATO đang rơi vào trạng thái "chết não" sau khi Mỹ đánh mất vai trò lãnh đạo của mình. Theo ông, Mỹ dưới thời Trump dường như đang "quay lưng lại với chúng ta", đáng chú ý là hành động rút quân khỏi Syria mà không thông báo trước với các đồng minh. Macron còn kêu gọi các nước châu Âu tăng cường khả năng tự bảo vệ nhiều hơn, tránh lệ thuộc an ninh vào Mỹ.
"Không có bất kỳ sự phối hợp nào giữa Mỹ và các đồng minh NATO trong việc ra quyết định chiến lược", Macron nhấn mạnh.
Tuyên bố của ông lúc bấy giờ hứng chịu không ít chỉ trích từ các thành viên NATO khác, bao gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cho rằng Tổng thống Pháp đã đưa ra "những phán xét vội vàng" không cần thiết. Giới chuyên gia cho rằng quan điểm của Macron không hoàn toàn sai, nhưng chúng có thể bị Tổng thống Trump biến thành vũ khí công kích lại ông.
Trong cuộc gặp gần một tiếng với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 3/12, Trump gọi phát biểu của Macron tháng trước là "sự xúc phạm nặng nề" đối với liên minh.
Đến chiều, khi được hỏi về bình luận trước đó của mình liên quan đến Tổng thống Pháp, Trump ban đầu tỏ ra chần chừ. Nhưng khi đến lượt mình lên tiếng, Macron đã rất thẳng thắn.
"Tuyên bố của tôi gây ra một số phản ứng nhất định", Macron nói. "Tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình".
Khi hai người tiếp tục trao đổi ngắn gọn, Macron nhắm tới mối quan hệ giữa Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Erdogan vốn đã khiến các đồng minh NATO giận dữ vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa S.400 từ Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây còn đe dọa cản trở kế hoạch phòng thủ của NATO ở Ba Lan và các quốc gia Baltic nếu liên minh không ủng hộ ông trong việc liệt một số nhóm người Kurd vào danh sách khủng bố.
Trump vẫn giữ mối quan hệ hòa hoãn với Erdogan. Ông còn bật đèn xanh để lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến dịch quân sự tấn công lực lượng dân quân Kurd ở phía bắc Syria, những người đã sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Hôm qua, Trump từ chối cho biết liệu ông có áp đặt trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ vì mua tên lửa S-400 Nga hay không.
Tổng thống Macron trong khi đó tỏ ra quyết liệt hơn, cho rằng Ankara cần giải thích về quyết định mua hệ thống vũ khí từ Moskva và tất cả các bên cần có một nhận thức chung trong việc phân loại những nhóm vũ trang khác nhau là khủng bố.
"Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, họ đang chống lại những người đã chiến đấu bên cạnh ta", Macron nói. "Ai mới là kẻ thù đây?"
Trong một số lần xuất hiện trước báo giới, Trump liên tục nhấn mạnh vào một thành tựu chính sách đối ngoại mà ông hy vọng có thể giúp ông thúc đẩy chiến dịch tái tranh cử: Buộc các đồng minh phải chi nhiều hơn cho ngân sách NATO.
"Điều mà tôi thích ở NATO là nhiều quốc gia đã làm theo ý tôi", Trump nói.
Tuy nhiên, Macron đã làm rõ rằng dù các quốc gia châu Âu chi tiêu quân sự nhiều hơn, NATO còn có những thách thức khác phải xử lý, không phải chỉ riêng "những con số".
"Tôi lấy làm tiếc vì chúng ta không có chung định nghĩa về khủng bố", Tổng thống Macron nói với người đồng cấp Mỹ. Suốt cuộc trao đổi được coi là lạnh nhạt, Macron ngồi sát mép ghế, liên tục vung tay một cách hoạt bát. Trump trong lúc đó ngồi lùi sâu vào chiếc ghế màu vàng.
Sự chủ động của Macron dường như đã khiến Trump bối rối, đến mức ông có lúc tuyên bố rằng ông không ủng hộ những người biểu tình đang đòi lật đổ chính phủ ở Iran. Phát biểu này mâu thuẫn với lập trường của Nhà Trắng và tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Sau cuộc gặp với Macron, Trump đã phải nhanh chóng đính chính trên Twitter rằng Mỹ ủng hộ người biểu tình ở Iran.
Các chuyên gia khu vực đánh giá trong bối cảnh Anh đang dần rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Đức chìm đắm trong những rắc rối chính trị trong nước, Tổng thống Macron đã nhìn thấy cơ hội để khẳng định vai trò lãnh đạo của Pháp ở châu Âu.
"Tổng thống Macron đang nắm bắt thời cơ, tạo ra đột phá theo cách của riêng mình và chúng ta sẽ chờ xem nó hiệu quả đến đâu", chuyên gia Conley từ CSIS nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)