Đảng đối lập lớn nhất Thái Lan Pheu Thai, do cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra thành lập, ngày 27/3 tuyên bố xây dựng liên minh cùng 6 đảng khác, lấy tên là "mặt trận dân chủ", gồm đảng Hướng tới Tương lai, đảng Pheu Chart, đảng Prachachart, đảng Seri Ruam Thai, đảng Quyền lực Nhân dân Thái Lan và đảng Kinh tế Mới nhằm ngăn Thủ tướng Prayut Chan-o-cha duy trì quyền lực.
Theo kết quả kiểm phiếu từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan, đảng Palang Pracharat thân quân đội của Thủ tướng Prayut dẫn đầu với 8,4 triệu phiếu, hơn đảng đối lập Pheu Thai đứng thứ hai khoảng 500.000 phiếu. Nhưng Ủy ban Bầu cử chưa công bố kết quả 150 ghế còn lại trong 500 ghế hạ viện. Ủy ban đến nay mới công bố kết quả 350 ghế, trong đó Pheu Thai giành 137 ghế và Palang Pracharath giành 97 ghế. Tiếp đó là đảng Bhumjaithai với 39 và đảng Dân chủ với 33 ghế.
Hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2017 quy định người đắc cử thủ tướng cần đạt đa số phiếu trong tổng số phiếu bầu tại thượng viện và hạ viện. Hiến pháp cũng quy định 250 ghế tại thượng viện đều do quân đội chỉ định, tạo lợi thế cho ông Prayut giữ vững quyền lực. Do đó, đảng Palang Pracharath về mặt lý thuyết chỉ cần giành 126 ghế hạ viện để có 376 phiếu, đủ cho ông Prayut đắc cử.
Trong 500 ghế tại hạ viện, liên minh 7 đảng chống đảng Palang Pracharat thân quân đội dự kiến giành 253 ghế. Con số trên bao gồm những người chiến thắng tại khu vực bầu cử được Ủy ban Bầu cử Thái Lan công bố cũng như các ứng viên sẽ ngồi vào ghế dựa trên tỷ lệ số phiếu bầu cho đảng của họ trong cuộc tổng tuyển cử.
Lãnh đạo đảng Pheu Thai Sudarat Keyuraphan gọi cuộc bầu cử là "đáng nghi" nhưng khẳng định liên minh sẽ nỗ lực vì "lợi ích quốc gia".
"Các đảng trong mặt trận dân chủ nhận được sự tin tưởng của hầu hết người dân", bà nói. "Dù hiện nay con số vẫn còn thay đổi, chúng tôi chắc chắn sẽ giành ít nhất 255 ghế. Chúng tôi tuyên bố mặt trận dân chủ chống lại chính quyền quân sự sẽ giành đa số tại hạ viện".
"Chúng tôi đang cố gắng đáp ứng tốt nhất kỳ vọng của mọi người. Chúng tôi muốn ủng hộ văn hóa chính trị mang tính xây dựng mặc dù cuộc bầu cử rất khó khăn bởi luật ủng hộ quân đội duy trì quyền lực", bà cho hay.
Sudarat cũng cáo buộc các đối thủ đang tìm cách hạn chế ảnh hưởng của đảng Pheu Thai, qua đó làm giảm số ghế đảng giành được bằng cách kiến nghị lên Ủy ban Bầu cử trước khi kết quả cuối cùng được công bố.
Lãnh đạo đảng Hướng tới Tương lai Thanathorn Jungrungreangkit nhận mạnh "tình hình chính trị hiện nay không có lợi cho đất nước trong dài hạn".
"Chúng tôi sẽ tham gia hết sức cùng các đảng khác nhằm ngăn chặn sự mở rộng quyền lực của quân đội. Nó có thể khó khăn và chúng tôi sẽ phải đối mặt với thượng viện nhưng chúng tôi sẽ đoàn kết. Chúng tôi kêu gọi các đảng khác cùng tham gia và tạo ra một chính phủ dân chủ, dù với tư cách đối lập", ông Jungrungreangkit cho biết.
Các lãnh đạo đảng trong liên minh "mặt trận dân chủ" yêu cầu Ủy ban Bầu cử phải minh bạch và rõ ràng hơn nữa. Cựu lãnh đạo đảng Prachachart, cho rằng kết quả nên được công bố sớm hơn.
"Ủy ban Bầu cử không nên đợi đến ngày 9/5 mới công bố kết quả bầu cử", ông nói. "Lý do là gì? Kết quả phiếu bầu thô phải được công bố cho tất cả các đảng và người dân. Công chúng đang hoài nghi họ giữ kín kết quả để thay đổi nó theo hướng có lợi cho một bên nhất định".
Đảng Palang Pracharat có thể tìm kiếm liên minh với đảng Bhumjaitha. Tuy nhiên, đảng Bhumjaithai cho hay họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi có kết quả chính thức.
Về việc đảng Palang Pracharat được hưởng lợi từ quy định trong hiến pháp, Prajak Kongkirati, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Thammasat, cho rằng điều này là không công bằng.
"Về vấn đề đảng giành được nhiều phiếu bầu hơn nhưng lại có ít ghế tại quốc hội hơn, đây là kết quả của việc các nhà soạn thảo hiến pháp đã tạo ra những quy định bầu cử rối ren. Không quốc gia nào trên thế giới chấp nhận một hệ thống như thế. Những người nắm quyền đã tạo ra luật mà không có sự tham gia của dân chúng", ông nhận xét.
Theo giới chuyên gia, nếu phe đa số hạ viện đứng ở thế đối đầu với các nhà lập pháp thân thủ tướng, một tình thế bế tắc vĩnh viễn sẽ nảy sinh.
Dù phe ủng hộ quân đội có thể thành lập chính phủ tiếp theo, việc thông qua ngân sách cùng hàng loạt bộ luật quan trọng khác dễ dàng bị phủ quyết nếu phe đa số tại hạ viện bỏ phiếu chống.
Nếu tình trạng tê liệt pháp lý này hình thành, nó sẽ gây thất vọng cho các chính trị gia và cử tri, đưa Thái Lan đến gần hơn với một cuộc khủng hoảng chính trị khác.
Vũ Hoàng (theo SCMP, ANR)