Mỹ nhiều năm qua trông cậy vào mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc như một động lực giữ ổn định quan hệ hai nước. Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Hank Paulson từng nói hợp tác kinh doanh, thương mại giống như chất keo kết dính quan hệ Mỹ - Trung.
Nhưng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có những động thái leo thang căng thẳng thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chất keo dính ấy dường như không còn. Hệ quả là động lực giữ ổn định và kiếm chế ở Washington trước các vấn đề liên quan đến Trung Quốc cũng biến mất, làm gia tăng khả năng căng thẳng có thể vượt ra khỏi phạm vi thương mại, lan sang các khu vực tranh chấp khác như vấn đề Đài Loan hay Biển Đông.
"Cách mà nhiều người đang nói đến tình hình hiện nay đó là bạn đã đánh mất, hay đang đánh mất, chất kết dính", Zack Cooper, nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cựu quan chức dưới chính quyền tổng thống George W. Bush, cho hay. "Giờ đây, thách thức đặt ra là không có nhiều cử tri muốn bảo vệ mối quan hệ giữa căng thẳng thương mại, những mối lo ngại về an ninh và vấn đề nhân quyền".
Mỹ đang gia tăng báo động trước tình trạng Trung Quốc không ngừng xây dựng quân đội. Các nhà hoạt động nhân quyền đang bất bình trước những cáo buộc Trung Quốc sử dụng công nghệ giám sát và lập những trại cải tạo dành cho người Hồi giáo. Một số giám đốc doanh nghiệp Mỹ, những người từng đánh giá cao Trung Quốc và ủng hộ lập trường hòa giải với Bắc Kinh, nói họ cảm thấy giận dữ trước cái mà họ coi là hành vi thiếu công bằng của phía Trung Quốc, từ đánh cắp tài sản trí tuệ tới những quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải hợp tác với các thực thể địa phương nếu muốn hoạt động tại Trung Quốc.
Ngày càng có nhiều người dân Mỹ cảm thấy Trung Quốc không chơi sòng phẳng và đã đến lúc Washington cần thay đổi cán cân. Trong khi Tổng thống Trump tập trung vào thương mại, thông qua việc tăng 25% thuế với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, các tiếng nói cứng rắn trong chính quyền của ông hiện mở rộng phạm vi tác động lên cả an ninh quốc gia. Cơ quan chiến lược phòng thủ Lầu Năm Góc đang kêu gọi hành động tổng lực để ngăn Trung Quốc đạt được bất kỳ lợi thế quân sự thực chất nào.
Hôm 15/5, chính quyền Trump bổ sung nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei vào một danh sách đặc biệt của Bộ Thương mại, qua đó gây khó khăn cho công ty này khi hợp tác với các công ty Mỹ. Bộ Thương mại cho biết Huawei "đang tham gia vào các hoạt động xung đột với an ninh quốc gia hay lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ". Tranh chấp liên quan tới Huawei đã cho thấy sự giao thoa giữa mối quan ngại về thương mại và an ninh ở Washington trước Bắc Kinh.
"Tách rời hai vấn đề và nói rằng chúng ta phải duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ trong khi vẫn xung đột gay gắt về an ninh quốc gia, tôi nghĩ điều đó bây giờ là không thể", Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Viên nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bình luận. "Với tôi, sân chơi về cơ bản đã thay đổi".
Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc đã phát triển một mối quan hệ kinh tế phức tạp nhưng thiết thực từ 4 thập kỷ trước, khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ngày nay, Mỹ nhập khẩu hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mỗi năm.
Thực tế trên làm bật lên câu hỏi về cách tiếp cận của chính quyền Trump với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: Bằng cách nào Mỹ có thể triển khai "cuộc cạnh tranh siêu cường" với Trung Quốc khi mà hai quốc gia vẫn phụ thuộc vào nhau quá nhiều về kinh tế.
Chính quyền Trump đã truyền đi các thông điệp hỗn hợp về những gì họ đang tìm kiếm trong dài hạn liên quan tới chính sách thương mại và an ninh quốc gia với Trung Quốc. Một số quan chức gợi ý rằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ tiếp tục, thậm chí sâu sắc hơn, miễn là Bắc Kinh đồng ý với những quy tắc mới công bằng hơn. Số khác nhấn mạnh quyết tâm của Mỹ nhằm kiềm chế chủ nghĩa bành trướng không công bằng của Trung Quốc và chấm dứt những mối liên kết kinh tế đang thúc đẩy nó phát triển.
"Đối với một số phe trong chính quyền, mục đích của đòn thuế quan là nhằm tạo ra đòn bẩy để gây áp lực buộc Trung Quốc mở cửa thị trường hơn với các doanh nghiệp Mỹ, từ đó thắt chặt mối quan hệ Mỹ - Trung", Ely Ratner, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận định. "Số khác coi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Trung Quốc là một lỗ hổng lớn, một vấn đề cần được giải quyết. Song mục tiêu họ hướng tới là một mối quan hệ kinh tế có đi có lại hơn hay một mối quan hệ ít phụ thuộc hơn?", ông đặt câu hỏi.
Theo Ratner, mối quan hệ kinh tế xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh không nhất thiết phải dẫn tới sự hung hăng hơn của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan hay Biển Đông. Ông cho rằng câu trả lời nghiêng nhiều hơn về phía Mỹ, liệu việc không đạt được thỏa thuận thương mại có khiến chính quyền Trump tung ra những biện pháp cứng rắn vốn vẫn được kiềm chế nhằm chống lại Trung Quốc hay không? Các biện pháp này có thể mở rộng sang không gian an ninh quốc gia, chẳng hạn, Mỹ sẽ hiện diện quân sự nhiều hơn trên Biển Đông.
Paulson, bộ trưởng tài chính dưới thời tổng thống Mỹ George W. Bush, giờ đây không miêu tả hợp tác kinh doanh như là "chất keo kết dính" quan hệ Mỹ - Trung nữa. Ông đang cảnh báo về một "bức màn sắt kinh tế" có khả năng phủ bóng lên Mỹ và Trung Quốc, đồng thời lưu ý tới những rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ.
"Những lo lắng về an ninh quốc gia đang bao trùm gần như tất cả các khía cạnh của mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc", Paulson hồi tháng hai phát biểu.
"Vấn đề khi bạn giáng một chiếc búa đó là nó có thể phá vỡ mọi thứ", ông nói. "Nếu bạn định làm tổn thương người khác nhưng cuối cùng lại làm tổn thương chính mình, bạn không phải lúc nào cũng có cơ hội thứ hai để hồi phục".
Vũ Hoàng (Th eo Washington Post)