Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/5 đáp xuống Nhật Bản giữa lúc căng thẳng thương mại với Trung Quốc, ông có thể nhớ về một thời kỳ cạnh tranh kinh tế khốc liệt giữa Washington và Tokyo hơn 30 năm trước.
Vào thập niên 1980, Nhật Bản phát triển vượt bậc, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến không ít người ở Washington lo ngại ngôi vị số một của Mỹ có thể bị tước mất.
Những bài báo về sự đe dọa kinh tế của Nhật Bản đối với Mỹ liên tục được đăng, khi các doanh nghiệp Nhật không ngừng mua lại hàng loạt công ty Mỹ. Các nghị sĩ và giới phê bình ở Washington cảnh báo về thâm hụt thương mại ngày càng tăng giữa hai nước, đồng thời phàn nàn về việc các công ty Nhật ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và lợi dụng những thỏa thuận thương mại không công bằng.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1989, Trump, khi đó là một doanh nhân, cho rằng Nhật Bản đang "hút máu nước Mỹ". "Đó là một vấn đề lớn, một vấn đề sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn", ông nói, đề cập tới cán cân thương mại Mỹ - Nhật. "Và họ đang cười vào mặt chúng ta".
Những lời cảnh báo này buộc chính quyền tổng thống Ronald Reagan, người lên nắm quyền năm 1981, có các hành động gia tăng áp lực buộc Nhật phải mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ và giảm tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước.
Dù Nhật đồng ý với các biện pháp từ Washington, trong đó có giới hạn số lượng xe nhập khẩu vào Mỹ, tâm lý hoảng loạn về sức mạnh thương mại của Nhật Bản vẫn gia tăng. Các nhà lập pháp từ cả lưỡng đảng Mỹ yêu cầu chính quyền Reagan phải hành động quyết liệt hơn.
Bằng cách thông qua dự luật kêu gọi tiến hành những động thái đáp trả cứng rắn về thương mại với Nhật Bản, Robert Packwood, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ lúc bấy giờ, hứa sẽ cho Tokyo nếm mùi "ăn miếng trả miếng".
Trong phiên điều trần năm 1985 của Ủy ban Tài chính Thượng viện, thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Max Baucus đã nói: "Tổng thống Reagan dự đoán 'về một tương lai mà ở đó thương mại sẽ là vua, đại bàng sẽ tung cánh và Mỹ sẽ là quốc gia thương mại hùng mạnh nhất Trái Đất'. Thương mại có thể là vua. Đại bàng có thể tung cánh nhưng không phải đại bàng Mỹ. Thương mại Mỹ chưa bao giờ tồi tệ như bây giờ".
Cùng năm đó, 5 nước gồm Mỹ, Tây Đức, Pháp, Anh và Nhật Bản ký Hiệp định Plaza, hạ giá đồng USD so với đồng yên Nhật, đem lại lợi ích lớn cho Mỹ, dẫn tới việc xuất khẩu từ Mỹ tới các quốc gia Tây Âu gia tăng và thâm hụt thương mại cũng giảm.
Nhưng Hiệp ước Plaza không phải hành động cuối cùng của Mỹ nhằm vào Nhật. Năm 1987, Washington áp thuế 100% với 300 triệu USD hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, ngăn chúng tiến vào thị trường Mỹ.
Nhật nhanh chóng nếm "trái đắng" trong xung đột thương mại với Mỹ. Khi đồng yên tăng giá, các sản phẩm của Nhật trở nên đắt đỏ hơn, khiến các đối tác cũ dần quay lưng với họ. Những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nhằm giữ giá trị đồng yên thấp tạo ra bong bóng giá cổ phiếu. Khi bong bóng vỡ, Nhật Bản rơi vào suy thoái và "đánh mất một thập kỷ".
Những biện pháp điều chỉnh của Mỹ phát huy hiệu quả, khi Nhật không những không thể vượt lên mà còn bị Mỹ bỏ xa.
"Xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Nhật về cơ bản đã dừng lại trong nửa đầu năm 1986", nhà kinh tế học Joshua Felman và Daniel Leigh viết trong báo cáo của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF). Họ kết luận Hiệp định Plaza không trực tiếp khiến Nhật rơi vào suy thoái kinh tế, nhưng nó dẫn tới một loạt sự kiện đẩy Tokyo vào tình cảnh này.
Những bước chân đầu tiên của Trump trên con đường chính trị có liên quan tới lời kêu gọi chống Nhật Bản trong những năm 1980, đầu những năm 1990. Quãng thời gian này, ông đã kêu gọi dùng hàng rào thuế quan như một vũ khí thương mại.
Dù Trump không đề cập tới mối quan hệ lịch sử giữa Mỹ và Nhật Bản trong cuộc xung đột thương mại gần đây với Trung Quốc, việc Washington giành thắng lợi áp đảo trước Tokyo trong cuộc đối đầu vào thập niên 1980 có thể ảnh hưởng tới tư duy của ông về cách đối phó với Bắc Kinh. Một trong các cố vấn quan trọng nhất của Tổng thống Trump về thương mại, Robert Lighthizer, cũng từng tham gia các cuộc đàm phán với Nhật Bản những năm 1980.
Tuy nhiên, dù Lighthizer và Trump có thể rút ra được những bài học tích cực từ cuộc chiến tranh thương mại thập niên 1980, các lãnh đạo Trung Quốc cũng rất chú ý tới bài học lịch sử và không có ý định lặp lại sai lầm của Nhật Bản.
Trong một bài xã luận hồi năm ngoái, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cảnh báo "Nhật Bản đã bị tổn thương nghiêm trọng vì cách phản ứng không hợp lý" đối với Hiệp định Plaza và sức ép thương mại từ Mỹ.
Bài viết cho rằng Washington đã đổ lỗi cho Tokyo vì những vấn đề mà nền kinh tế Mỹ gặp phải, đồng thời khẳng định "tâm lý bảo hộ mạnh mẽ là động lực trực tiếp đằng sau Hiệp định Plaza". Thông điệp tương tự cũng đang trở nên phổ biến trên truyền thông Trung Quốc những ngày qua về cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Họ cáo buộc Washington muốn đổ lỗi cho Bắc Kinh về những vấn đề Mỹ không thể kiểm soát.
Theo giới chuyên gia, năm 2019 không phải năm 1985 và Trung Quốc không phải Nhật Bản. Cả về kinh tế lẫn chính trị, Bắc Kinh đều mạnh mẽ hơn Tokyo vào thập niên 1980, khi mà Nhật Bản phụ thuộc vào Mỹ về an ninh quốc gia và không sẵn sàng mạo hiểm chọc giận Washington.
"Nhật Bản từng là một mục tiêu dễ dàng bị Mỹ đánh bại. Sau Thế chiến II, Nhật phụ thuộc vào Mỹ cả về kinh tế lẫn chính trị, dẫn tới việc họ không có nhiều lựa chọn giúp chống lại Mỹ hiệu quả", nhà phân tích Alicia Garcia-Herrero và Kohei Iwahara nhận xét. "Trung Quốc giờ đây ở vào một vị thế tốt hơn để kháng cự lại sức ép từ Mỹ".
Rủi ro trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay không phải là việc hai bên không rút kinh nghiệm từ quá khứ, mà nằm ở chỗ họ có thể rút ra bài học sai lầm.
Trump và Lighthizer có thể cho rằng chính sách quyết liệt tương tự sẽ khiến Trung Quốc khuất phục như Nhật Bản trước đây. Các nhà đàm phán Trung Quốc đã học được bài học về điều sẽ xảy ra khi chống lại Trump, bằng chứng là việc các cuộc đàm phán thương mại sụp đổ hồi đầu tháng sau khi Bắc Kinh tìm cách thay đổi dự thảo thỏa thuận vào phút cuối.
Các cuộc đàm phán thất bại lập tức khiến căng thẳng leo thang, hai bên áp đặt thuế lên những sản phẩm của nhau. Tình thế này có một phần lỗi do Bắc Kinh khi thay đổi vào phút chót, nhưng cũng bắt nguồn từ thái độ không sẵn sàng đàm phán của Washington.
Cùng lúc, cách giải thích của Trung Quốc về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Nhật những năm 1980 cũng có thể dẫn tới những bước đi sai lầm trong giới lãnh đạo nước này.
Hôm 23/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói bất kỳ "thỏa thuận cùng có lợi nào cũng phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đem lại lợi ích cho cả đôi bên". Nhưng nhiều nhà quan sát lưu ý rằng điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc muốn sau cụm từ "lợi ích cho cả đôi bên" thường là một chiến thắng theo các điều khoản của họ.
Vũ Hoàng (Theo CNN)