"Bộ Quốc phòng luôn luôn quan tâm đến việc duy trì khả năng chủ động nhận dạng mọi máy bay trong khu vực hoạt động. Bộ sẽ tiếp tục điều tra theo đúng quy trình các báo cáo về vật thể bay không xác định (UFO) mà các phi công gặp phải nhằm bảo vệ đất nước trước những tình huống chiến lược của kẻ thù", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Sherwood cho biết hôm 23/5.
Tuyên bố được Lầu Năm Góc đưa ra sau khi 5 phi công tiêm kích hải quân Mỹ báo cáo về việc nhiều lần gặp UFO trong lúc huấn luyện, khẳng định họ chỉ có thể phát hiện ra chúng nhờ các gói nâng cấp radar và cảm biến trên tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet.
"Những vật thể này không chỉ xuất hiện trong vài phút mà là hàng giờ hoặc nhiều ngày liên tục. Vận tốc rất lớn của chúng khiến phi công mất nhiều công sức để theo dõi", đại úy hải quân Ryan Graves, phi công thuộc Phi đoàn tiêm kích số 11 hải quân Mỹ, cho biết.
Graves lần đầu chạm trán UFO trên radar trong một buổi huấn luyện trên tiêm kích F/A-18 ngoài khơi bờ biển Mỹ hồi năm 2014. Các đồng đội của Graves cũng gặp tình huống tương tự, tất cả chỉ phát hiện UFO sau khi phi đội Super Hornet của họ được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).
Dòng F/A-18E/F được đưa vào biên chế hải quân Mỹ từ năm 2001, ban đầu chỉ mang radar mảng pha quét cơ khí (MSA) AN/APG-73. Đây là mẫu radar mạnh nhưng được phát triển dựa trên công nghệ từ những năm 1980.
Radar MSA phải liên tục chuyển động để đổi hướng chùm tia trong quá trình sục sạo, khiến tốc độ phát hiện và bám bắt mục tiêu tương đối chậm, đồng thời radar cũng không thể theo dõi được nhiều vật thể cùng lúc. Những điểm yếu này chỉ được khắc phục khi hải quân Mỹ trang bị radar AN/APG-79 dùng công nghệ AESA đầu thập niên 2010, dù chúng bị đánh giá là vẫn gặp nhiều vấn đề khi vận hành.
Radar AESA không có bộ phận chuyển động, đạt tốc độ quét và số lượng mục tiêu theo dõi cùng lúc vượt xa các hệ thống MSA truyền thống, cho phép những chiếc Super Hornet nhận diện các vật thể chưa từng xuất hiện trên radar tiêm kích trước đó.
Trong thời gian đầu sử dụng radar AN/APG-79, các phi công Mỹ đã phát hiện ra hàng loạt UFO nhưng đều phớt lờ bởi họ tin rằng đây là lỗi của hệ thống cảm biến. Tuy nhiên, việc các vật thể xuất hiện ở nhiều độ cao khác nhau, có khả năng tăng giảm tốc độ, thậm chí đạt vận tốc siêu vượt âm đã khiến họ chú ý.
Đại uý Danny Accoin đã hai lần chạm trán UFO. Trong lần đầu, Accoin phát hiện nó trên radar, tiếp cận và bay phía dưới vật thể lạ khoảng 300 m nhưng không nhìn thấy UFO. Chỉ vài ngày sau, tên lửa huấn luyện và cảm biến hồng ngoại trên chiếc Super Hornet của Accoin bám bắt được mục tiêu. "Tôi biết đó không phải lỗi của hệ thống radar, nhưng tôi vẫn không thể thấy nó bằng mắt thường", Accoin nhớ lại.
Một số phi công tin rằng vật thể này nằm trong chương trình phát triển máy bay tuyệt mật của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, suy nghĩ này thay đổi vào cuối năm 2014, khi đồng đội của Graves nhìn thấy vật thể lạ. "Anh ta trở về căn cứ với khuôn mặt bị sốc nặng. Tôi đã choáng váng khi biết anh ấy suýt đâm phải nó", Graves cho hay.
Hình ảnh UFO cũng được hệ thống chỉ thị mục tiêu AN/ASQ-228 ATFLIR trên tiêm kích Super Hornet ghi lại hồi năm 2015. Đây là cụm thiết bị đa năng do Mỹ phát triển, gồm camera ảnh nhiệt, cảm biến ánh sáng mờ, thiết bị đo xa và chỉ thị mục tiêu bằng laser cùng bộ nhận diện tia laser.
ATFLIR có chức năng chính là giúp phi công định hướng, dẫn bắn cho vũ khí dẫn đường chính xác như bom laser trong điều kiện thời tiết phức tạp. Mỗi hệ thống ATFLIR có khả năng hoạt động ở độ cao tối đa 15 km và phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 64 km.
Dù nhiều lần chạm trán UFO, nhóm phi công hải quân Mỹ đều từ chối suy đoán các vật thể đó là thứ gì. "Chúng tôi ở đây để làm việc, không phải để 'sáng tác' ra những câu chuyện kỳ bí", Graves nhấn mạnh.
Lã Linh (Theo Drive)