Paetongtarn, nữ chính trị gia 36 tuổi của đảng Pheu Thai, trở thành người thứ ba trong gia tộc Shinawatra tranh cử vị trí cao nhất trong chính trường Thái Lan.
Cô là con gái út của Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng bị quân đội lật đổ vào năm 2006, và là cháu của cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra, người bị Tòa án Hiến pháp phế truất vào năm 2014. Ông Thaksin và bà Yingluck đều đang sống lưu vong ở nước ngoài để tránh án tù ở quê nhà, liên quan các cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Tuy vậy, một bộ phận đông đảo người Thái vẫn có cảm tình với nhà Shinawatra và những giai đoạn cầm quyền của hai người, nổi bật với những chính sách có lợi cho tầng lớp lao động bình dân.
Paetongtarn, còn được người Thái gọi bằng biệt danh "Ung-Ing", đang dẫn đầu các cuộc khảo sát trước thềm tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra ngày 14/5, cũng nhờ vào lòng trung thành của nhóm cử tri này.
Một cuộc khảo sát tháng này, do Viện Quốc gia về Phát triển Quản trị (NIDA) thực hiện, cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Paetongtarn là 38%, cao gấp đôi các đối thủ như đương kim Thủ tướng Prayut Chan-ocha và ứng viên Pita Limjaroenrat thuộc đảng Tiến bộ.
"Paetongtarn xây dựng uy tín và thu hút cử tri nhanh đến bất ngờ. Cô ấy còn trẻ và tạo ấn tượng tốt đối với nhóm cử tri trẻ tuổi", Thitinan Pongsudhirak, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, nhận định.
Paetongtarn có lượng theo dõi lớn trên các nền tảng mạng xã hội. Cô đang gây chú ý trên truyền thông vì vẫn quyết tâm tranh cử và liên tục xuất hiện ở các buổi vận động cử tri dù đang mang thai và dự sinh vào tháng 5.
Người trẻ tại Thái Lan không chỉ tương tác nhiều với hình ảnh và thông điệp vận động tranh cử của Paetongtarn, họ còn quan tâm đến cuộc sống của "công chúa" sẽ thừa kế một phần khối tài sản khổng lồ từ bố. Forbes ước tính tổng giá trị tài sản của ông Thaksin Shinawatra là 2,1 tỷ USD.
Thaksin hồi tháng 3 khen cô con gái út có năng khiếu nối nghiệp ông làm chính trị, đồng thời khẳng định ông không can dự vào các quyết định của con. "Paetongtarn giống mẹ hơn và sở hữu những tố chất mà tôi không có. Nếu Paetongtarn đắc cử thủ tướng, con gái tôi sẽ làm tốt hơn tôi", ông nói.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak cho rằng Paetongtarn đã "sống cùng chính trị" từ nhỏ và thường xuất hiện cùng bố trong nhiều sự kiện khi ông còn nắm quyền. Khi cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Thaksin diễn ra năm 2006, Paetongtarn đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Chulalongkorn, học trong khoa của giáo sư Thitinan. Ông nhớ rằng cô sinh viên nổi tiếng khi ấy luôn có cận vệ đi kèm mỗi khi đến trường vì lo ngại người biểu tình quá khích.
"Cô ấy đã biết rõ chính trị Thái Lan. Cô ấy cũng có bản năng chính trị như ông Thaksin và có tham vọng riêng. Cô ấy tạo ra động lực thăng tiến rất nhanh vì biết cách kết nối với người dân", Thitinan bình luận.
Termsak Chalermpalanupap, chuyên gia về Thái Lan thuộc viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định yếu tố gia tộc Shinawatra chỉ góp một phần vào mức tín nhiệm người dân đang dành cho Paetongtarn. Trên thực tế, trong những buổi xuất hiện trước công chúng thời gian qua, nữ chính trị gia đảng Pheu Thai không còn nhắc đến bố mình quá nhiều.
Không ít cử tri Thái Lan ngưỡng mộ tinh thần xông xáo của Paetongtarn trong hoạt động tranh cử dù đang mang thai, theo Aim Sinpeng, chuyên gia về khoa học chính trị thuộc Đại học Sydney ở Australia. Bà cho rằng ứng viên đảng Pheu Thai đang xoáy vào nhiều vấn đề về bình đẳng giới trong nước, giữa bối cảnh xã hội Thái Lan ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền lợi cho phụ nữ và người có con.
"Bố của Paetongtarn là một trong những thủ tướng được mến mộ nhiều nhất trong lịch sử Thái Lan, nhưng cô ấy hiểu rằng không thể chỉ dựa vào nhóm cử tri trung thành với ông Thaksin, mà phải đề ra những chính sách cấp tiến hơn", Sinpeng nói.
Nhưng không phải người Thái Lan nào cũng ủng hộ viễn cảnh đất nước có thủ tướng thứ ba mang họ Shinawatra.
Nhiều người thành thị và phe ủng hộ quân đội cho rằng ông Thaksin và các thành viên gia tộc Shinawatra theo đuổi chính sách dân túy, không tôn trọng pháp quyền, chi phối chính trường để tham nhũng và ưu ái cất nhắc người nhà. Những người phản đối bà Yingluck năm 2014 còn cáo buộc bà là "bình phong" cho người anh trai đang phải sống lưu vong.
Hai cựu thủ tướng nhà Shinawatra đều bác bỏ mọi chỉ trích, cho rằng đối thủ chính trị viện cớ để loại những ứng viên "được lòng dân" khỏi chính trường.
Cựu ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya cho rằng Paetongtarn được đảng Pheu Thai chọn làm một trong ba ứng viên thủ tướng "chỉ vì cô là con gái ông Thaksin". Ông cảnh báo việc thành viên thứ ba của nhà Shinawatra đắc cử có thể ảnh hưởng đến nền dân chủ Thái Lan, do các gia tộc chính trị thường có xu hướng ưu tiên người nhà hơn nhân tài thật sự.
"Đất nước không thể được vận hành bởi những người không có kinh nghiệm chính trị. Paetongtarn chưa từng đấu tranh vì một lý tưởng nào, chưa từng tham gia bộ máy chính quyền và chưa bao giờ nắm quyền điều hành thực chất tại doanh nghiệp", Piromya lo ngại. "Cô ấy sẽ chỉ là người đại diện cho bố mình và không có lập trường riêng. Cuối cùng ông Thaksin vẫn là người kiểm soát mọi thứ".
Paetongtarn không ngần ngại thừa nhận cô nghe theo những lời khuyên từ bố. Khi được ABC hỏi liệu cô có xin bố tư vấn trong chiến dịch tranh cử hay không, Paetongtarn đáp: "Tất nhiên".
"Tôi sẽ hỏi ý kiến ông ấy về mọi thứ trong cuộc sống. Tôi là thế đấy, là con gái rượu của bố", cô nói thêm.
Khi được hỏi điều gì khiến cô xứng đáng trở thành thủ tướng, cô trả lời đó là nỗ lực của tập thể. "Điều khiến tôi đủ tư cách lãnh đạo đất nước là đảng của tôi, đội ngũ của tôi. Họ đủ tư cách để điều hành đất nước", bà nói.
Thanh Danh (Theo ABC, CNN)