Thủ tướng Anh Theresa May sắp bước khỏi sân khấu quốc tế khi chuẩn bị từ chức do thất bại trong nỗ lực đàm phán Brexit. Hôm 4/6, bà xuất hiện gần như là cuối cùng với tư cách người đứng đầu chính phủ Anh bên cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang có chuyến thăm Anh với lời hứa rằng ông có thể mang đến một "thỏa thuận thương mại phi thường" với London.
Song tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng May tỏ ra khá mờ nhạt. Các câu hỏi không thực sự nhắm vào bà bởi bà sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 và chỉ đảm nhiệm chức Thủ tướng trong thời gian chờ nước Anh bầu ra một lãnh đạo mới. Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn ca ngợi bà May là một "người cực kỳ chuyên nghiệp, yêu đất nước bằng cả trái tim".
Thủ tướng May đã có những động thái "tấn công quyến rũ" đối với Trump ngay sau khi ông đắc cử Tổng thống hồi năm 2016. Bà là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Trump ở Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, nơi bà bắt đầu thúc đẩy một thỏa thuận thương mại thời kỳ hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu). Tuy nhiên, họ là hai lãnh đạo với phong cách và tầm nhìn rất khác nhau và chưa bao giờ xây dựng được một mối quan hệ đặc biệt.
Hôm 4/6, dù thể hiện nhẹ nhàng hơn nhiều so với trước đây, Trump vẫn tái khẳng định quan điểm của mình rằng Thủ tướng May nên xử lý vấn đề Brexit theo một cách khác.
"Tôi vẫn nhớ Tổng thống Mỹ từng khuyên tôi kiện Liên minh châu Âu (EU), điều chúng tôi không làm. Chúng tôi bước vào thỏa thuận và chúng tôi đã có một thỏa thuận tốt", bà May nói.
Trump đáp lại: "Tôi vẫn sẽ kiện. Nhưng tất cả đều ổn. Tôi có thể sẽ kiện rồi dàn xếp thỏa thuận, bạn không bao giờ biết trước được". Ông sau đó thay đổi giọng điệu: "Bà ấy có thể là nhà đàm phán tốt hơn tôi".
Một năm trước, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Anh, Trump đã gây bất ngờ với văn phòng Thủ tướng Anh khi chê bai kế hoạch Brexit của bà May trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Sun. "Tôi sẽ làm rất khác", ông tuyên bố. "Thực ra tôi đã bảo bà Theresa May cách làm nhưng bà ấy không nghe tôi".
Thông tin về cuộc phỏng vấn mùa hè năm ngoái được lan truyền khi Thủ tướng May đang đón tiếp Tổng thống Trump và phu nhân tại Điện Blenheim, nơi sinh của cố thủ tướng Anh Winston Churchill.
Brexit là công việc mà Thủ tướng May còn dang dở. Nó khiến bà mất nhiều tâm sức và cũng là yếu tố quan trọng làm sụp đổ sự nghiệp của bà. Bà bị mất chức không phải bởi những nghị sĩ phe đối lập, mà do chính sự phản đối từ các thành viên trong đảng Bảo thủ vì không thể hoàn thành vụ ly hôn giữa Anh và EU như đã hứa.
Hôm 4/6, Trump gạt đi những lo ngại về sự chia rẽ giữa Anh và Mỹ, bao gồm cả việc Anh có thể vẫn chấp nhận các sản phẩm của Huawei, bất chấp việc Mỹ coi tập đoàn viễn thông Trung Quốc này là một mối đe dọa với an ninh quốc gia.
"Chúng ta chắc chắn sẽ có một thỏa thuận về Huawei và mọi thứ khác", Trump nói. "Chúng ta có mối quan hệ tình báo tuyệt vời và chúng ta sẽ xóa bỏ được mọi khác biệt".
Sự hình thành của quan hệ đồng minh vĩ đại trong và sau Thế chiến II là chủ đề trong chuyến công du châu Âu của Trump tuần này. Ngày 5/6, ông sẽ dự các buổi lễ kỷ niệm ở thành phố cảng Portsmouth, Anh, để tôn vinh lực lượng Đồng minh đã đổ bộ lên Normandy, Pháp, ngày 6/6/1944. Ông và các thành viên trong gia đình hôm qua tới thăm boongke ngầm nơi thủ tướng Churchill đã lãnh đạo nước Anh trong Thế chiến II.
Bất chấp những nghi thức, cảnh tượng hoành tráng về chuyến thăm của Trump, trong đó có yến tiệc do Nữ hoàng Elizabeth II tổ chức tại Điện Buckingham và một buổi trà chiều với Thái tử Charles hôm 3/6, công chúng và truyền thông Anh vẫn tập trung vào những hỗn loạn chính trị ở trong nước.
Tại buổi họp báo chung với Thủ tướng May, Tổng thống Trump được hỏi về cảm nghĩ trước những người có thể kế nhiệm bà May. Ông đề cập tới hai ứng viên là cựu ngoại trưởng Boris Johnson và Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, cho rằng họ chắc chắn sẽ "làm tốt công việc của mình".
Truyền thông Anh đưa tin ông Johnson đã từ chối một cuộc gặp với Tổng thống Trump với lý do không thu xếp được lịch trình. Thay vào đó, họ có một cuộc điện thoại "thân thiện và hiệu quả".
Ngoài những phiên gặp mặt hòa nhã giữa các lãnh đạo, trên đường phố London, hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập để phản đối Trump và chính sách của ông về nhập cư, biến đổi khí hậu cùng hàng loạt vấn đề khác.
Các nhà hoạt động ước tính khoảng 75.000 người đã tham gia biểu tình. Tuy nhiên, Tổng thống Trump phủ nhận quy mô của chúng, cho rằng biểu tình rất nhỏ và không đáng kể.
Trump cũng gây xôn xao khi tuyên bố rằng tất cả các khía cạnh về thương mại, trong đó có cả vấn đề của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), đều nên "được đưa ra" trên bàn thảo luận thương mại với Washington.
NHS là một sáng tạo sau chiến tranh được tất cả người dân Anh thuộc mọi tầng lớp coi trọng. Một trong những lập luận gây tiếng vang nhất trong chiến dịch vận động Brexit là bằng cách rời khỏi EU, Anh có thể lấy lại tiền để đầu tư vào hệ thống y tế. Khả năng về việc các công ty Mỹ tham gia đấu thầu dịch vụ y tế đã gây nghi ngại cho công chúng Anh.
Nó ngay lập tức trở thành điểm nhấn trong tuyên bố của những ứng viên kế nhiệm bà May. "NHS không dùng để bán cho bất kỳ quốc gia nào và không bao giờ điều đó xảy ra nếu tôi làm thủ tướng", cựu bộ trưởng Brexit Dominic Raab viết trên Twitter.
Tuy nhiên, theo phát thanh viên Piers Morgan, trong một cuộc phỏng vấn sẽ phát sóng ngày 5/6, Trump đã rút lại tuyên bố, khẳng định: "Tôi không nghĩ NHS sẽ được đưa ra thảo luận. Tôi không coi đó là một phần của thương mại".
Tổng thống Mỹ cũng đề cập đến triển vọng thương mại Mỹ - Anh trong một hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp hai nước sáng 4/6. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại rất rất có giá trị", ông nói.
Khi được hỏi trong họp báo liệu bà có cân nhắc lời khuyên của Tổng thống Trump không, Thủ tướng May quả quyết: "Hay đấy, nhưng không. Tôi là người phụ nữ biết giữ lời".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)