Dân số nông thôn liên tục giảm trong 30 năm qua là một trong những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ Hàn Quốc. Để giải quyết tình trạng này, một số địa phương đã đề ra chính sách chi tiền trợ cấp cho những người độc thân đi tìm vợ ở nước ngoài.
Chính sách trợ cấp hôn nhân cho đàn ông địa phương kết hôn với cô dâu ngoại quốc đang được áp dụng tại hơn 35 huyện thị của Hàn Quốc, chủ yếu là những địa phương có nguồn thu từ nông nghiệp và thủy sản. Đàn ông độc thân vùng nông thôn đang tìm vợ ngoại quốc sẽ được nhận khoản tiền trợ cấp 3-10 triệu won (2.540 - 8.570 USD).
Mức trợ cấp này thay đổi tùy từng khu vực. Huyện Yangpyeong ở tỉnh Gyeonggi trợ cấp 10 triệu won cho đàn ông địa phương trong độ tuổi 35-55, chưa từng kết hôn, làm việc trong các ngành nông lâm ngư nghiệp và sống ở địa phương ít nhất ba năm.
Từ khi áp dụng chính sách này năm 2009, huyện Yangpyeong có 57 người đã được nhận tiền và 570 hộ gia đình kết hôn có yếu tố nước ngoài. Đa số cô dâu là người Việt Nam, tiếp theo là những quốc gia Đông Nam Á khác.
Để đảm bảo các đôi vợ chồng kết hôn có yếu tố nước ngoài được bền vững, huyện Yangyang ở tỉnh Gangwon quy định nếu vợ chồng ly hôn hoặc chuyển chỗ ở trong vòng một năm sau khi kết hôn, họ sẽ phải trả lại khoản trợ cấp 3 triệu won.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại biện pháp này sẽ khuyến khích người dân "mua" cô dâu nước ngoài, đặc biệt từ các nước Đông Nam Á, nhằm tăng dân số và ngăn chặn cuộc di cư từ nông thôn lên thành thị.
"Về cơ bản, đây là hôn nhân theo hình thức mua cô dâu dựa trên tiền bạc chứ không phải tình yêu", Jang Han-up, giám đốc Viện nghiên cứu đa văn hóa Ewha, nói. "Hôn nhân như vậy giống như một kiểu mua sắm, dẫn tới nhiều vấn đề như rào cản ngôn ngữ và nhân quyền. Cô dâu ngoại quốc dễ bị lạm dụng, bị coi là tài sản và làm người quản gia kiêm đối tượng phục vụ tình dục hơn là các bà vợ đúng nghĩa".
Theo một khảo sát được Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc tiến hành với 920 phụ nữ nhập cư theo dạng kết hôn, 42,1% cho biết từng chịu bạo hành gia đình và 68% có trải nghiệm tình dục không mong muốn.
Chính sách trợ cấp hôn nhân này trang trải chi phí cho đàn ông Hàn Quốc làm lễ cưới, mua vé máy bay, thuê chỗ ở và chi trả phí môi giới khi ra nước ngoài tìm vợ. Sau khi chọn được ứng viên trên trang web môi giới, đàn ông Hàn Quốc thường bay ra nước ngoài để gặp cô dâu.
Theo một nghiên cứu do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình thực hiện năm 2017 về ngành môi giới hôn nhân quốc tế, chi phí để đàn ông Hàn Quốc kết hôn với phụ nữ Uzbekistan tốn kém nhất, trung bình 18,3 triệu won một người, tiếp theo là Philippines với 15,2 triệu won, Campuchia với 14,4 triệu won, Việt Nam với 14,2 triệu won, Trung Quốc là 10,7 triệu won.
Cô dâu Việt Nam chiếm 73% trong số những cuộc hôn nhân giữa đàn ông Hàn Quốc và phụ nữ ngoại quốc, và chỉ mất trung bình 3,9 ngày từ khi hai người gặp gỡ tới lúc kết hôn. Về độ tuổi, chú rể Hàn Quốc có tuổi đời trung bình là 43,6, còn cô dâu ngoại quốc là 25,2, chênh lệch 18,4 năm.
Đàn ông ở vùng nông thôn Hàn Quốc khó tìm vợ là do sự vắng bóng của phụ nữ ở nơi họ sinh sống. Khi kinh tế Hàn Quốc bắt đầu phát triển nhanh vào những năm 1960, phần lớn phụ nữ nông thôn đã đổ về thành thị làm việc cho nhà máy để kiếm tiền cho gia đình.
Trong khi đó, đàn ông nông thôn thường có xu hướng ở lại quê hương bản quán để chăm sóc cha mẹ và thờ phụng tổ tiên theo truyền thống Nho giáo. "Phụ nữ độc thân ở đây rất hiếm hoi. Đa số đã lấy chồng hoặc chuyển lên thành phố làm việc, kết hôn. Chương trình trợ cấp này dành cho các nông dân là nam giới không thể tự tìm bạn đời", một quan chức giấu tên của huyện Yangpyeong nói.
"Phần lớn phụ nữ Hàn Quốc không chịu lấy đàn ông ở vùng nông thôn, nên họ rốt cuộc phải kết hôn với cô dâu nước ngoài. Bởi vậy, chúng tôi muốn giúp họ tìm bạn đời", một quan chức giấu tên ở tỉnh Gyeonggi nói.
Tỉnh Nam Gyeongsang ra "Quy định hỗ trợ hôn nhân quốc tế cho đàn ông độc thân ở vùng nông thôn", trong đó nêu rõ mục đích của quỹ hôn nhân là tổ chức các đám cưới có yếu tố nước ngoài và hỗ trợ một phần chi phí để đàn ông độc thân vùng nông thôn thành gia lập thất, qua đó thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính sách hỗ trợ hôn nhân như vậy phần nào thể hiện văn hóa trọng nam khinh nữ, gia trưởng và bài ngoại của Hàn Quốc, đặc biệt là trong thời đại bình đẳng giới và toàn cầu hóa hiện nay.
"Những quy định này có vấn đề. Chính sách không không được phép phục vụ một nhóm người nhỏ. Phụ nữ nhập cư tới Hàn Quốc qua hôn nhân vì không có lựa chọn nào khác. Điều này có nghĩa là xã hội Hàn Quốc không sẵn lòng đón nhận người nhập cư trừ phi họ cam kết lập gia đình và sinh con", giáo sư Cho Hye-ryeon, Viện Giáo dục và Thúc đẩy bình đẳng giới Hàn Quốc, nhận xét.
"Đã tới lúc Hàn Quốc xem lại các chính sách và quan điểm của mình đối với phụ nữ nhập cư qua con đường hôn nhân và hướng tới việc coi họ là một thành viên của xã hội thay vì giới hạn họ trong phạm vi gia đình. Để làm được điều này, chính phủ phải từ bỏ các chính sách tập trung vào gia đình, chuyển sang hỗ trợ và tôn trọng cá nhân", bà Cho nói.
Đa số phụ nữ nhập cư biết tới Hàn Quốc qua những nhóm nhạc K-pop hào nhoáng, các bộ phim truyền hình về cuộc sống xa xỉ quyến rũ. Họ tới Hàn Quốc với ước mơ về một cuộc sống khác và có thể gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà.
"Chúng tôi từng kiến nghị với Bộ Bình đẳng giới và Gia đình rằng các chính sách hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài như hiện nay là không phù hợp", Lim Sun-young, một quan chức giám sát nhân quyền của người nhập cư tại Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc, nói.
Hồng Hạnh (Theo StraitsTimes)