Nghi phạm đánh vợ Việt (giữa) bị cảnh sát Hàn Quốc áp giải hôm 8/7. Ảnh: Yonhap. |
"Người phụ nữ Việt bị chồng bạo hành tại quận Yeonan, tỉnh Cheonman, Hàn Quốc đang được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt tại bệnh viện nơi cô điều trị", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm nay cho biết.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã liên hệ với công dân này, cử đại diện đến hỏi thăm, đồng thời yêu cầu chính quyền sở tại xử lý nghiêm sự việc theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, nhằm ngăn ngừa các hành vi tương tự trong tương lai, bà Hằng cho hay.
Người chồng bạo hành vợ đã bị cảnh sát huyện bắt khẩn cấp hôm 7/7 với tội danh gây thương tích nghiêm trọng và vi phạm luật Phúc lợi Trẻ em. Anh này bị cáo buộc tấn công người vợ Việt Nam, 30 tuổi, tại nhà suốt ba giờ tối 4/7, trước mặt con trai 2 tuổi.
Một người bạn đã trình báo sự việc với cảnh sát và cho hay anh ta đánh vợ vì cô kém tiếng Hàn. Nhà chức trách Hàn Quốc lấy làm tiếc trước sự việc và cam kết điều tra đến cùng.
Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam năm ngoái cho biết gần đây, khoảng 6.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc mỗi năm. Từ 2015, cô dâu Việt đã chiếm số lượng lớn nhất trong số cô dâu ngoại ở Hàn. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, đa số phụ nữ Việt lấy chồng ở Hàn có cuộc sống ổn định.
Báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc cũng cho biết số phụ nữ nước ngoài kết hôn với đàn ông nước này không ngừng tăng lên, chiếm 7-11% số trường hợp kết hôn hàng năm trong một thập kỷ qua, và chủ yếu đến từ Việt Nam, Campuchia, một số nước Đông Nam Á khác và Uzbekistan.
Tuy nhiên, cứ 10 cô dâu nhập cư thì có 4 người bị chồng bản địa bạo hành, trong đó các hình thức bạo hành phổ biến nhất là xúc phạm bằng lời nói, cưỡng ép hoặc lạm dụng tình dục. Gần 20% nạn nhân cũng cho biết họ bị đe dọa bằng vũ khí. Có 19 người đã bị sát hại trong 10 năm qua.
Số cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc dự kiến còn gia tăng khi nước này đối mặt với tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, báo chí Hàn Quốc cho rằng việc chính quyền không thể bảo vệ được các phụ nữ nhập cư, những người không có ai ngoài chồng để nương tựa, là "một nỗi xấu hổ quốc gia".
"Trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ và đối xử với các cô dâu ngoại quốc như các thành viên trong xã hội của mình. Không được dung thứ cho bạo lực trong các gia đình đa văn hóa", tờ Korea Times viết.