Những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Tại khu vực này, Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK.
Theo Prashanth Parameswaran, biên tập viên tại Diplomat, hành động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 tại vùng biển Việt Nam tuân theo một mô hình quen thuộc mà Trung Quốc đã và đang thực hiện nhằm cản trở các nước tiến hành hoạt động thăm dò, khai khác dầu khí ở Biển Đông nhằm phục vụ tham vọng "độc chiếm" vùng biển này.
"Không chỉ vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tàu Trung Quốc cũng có hành động tương tự với Malaysia cũng như nhiều lần chạm mặt với tàu Philippines, bất chấp quan hệ nồng ấm giữa Bắc Kinh và Manila", Parameswaran cho biết.
Tàu hải cảnh Trung Quốc từng nhiều lần cản trở tàu Philippines tiếp tế cho nhóm binh sĩ đồn trú trên bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Gần đây nhất, một tàu Trung Quốc bị nghi là tàu dân quân biển đã đâm chìm tàu cá Philippines hoạt động gần bãi Cỏ Rong, khiến dư luận Philippines phẫn nộ. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau đó nhất trí mở cuộc điều tra chung với Trung Quốc về sự cố.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết hồi tháng 5 lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã có những hành vi quấy rối, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở cụm bãi cạn Luconia trên Biển Đông. Malaysia khẳng định cụm bãi cạn Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và từ năm 2013 thường xuyên duy trì sự hiện diện quanh bãi cạn này.
"Những diễn biến này cho thấy Bắc Kinh tìm cách ngăn chặn việc khai thác dầu khí đơn phương của các nước láng giềng ở bất cứ nơi nào trong yêu sách 'đường 9 đoạn'", giám đốc AMTI Gregory Poling nói. "Đường 9 đoạn" là yêu sách chủ quyền phi pháp Trung Quốc đơn phương vạch ra, bao trùm khoảng 90% diện tích Biển Đông. Yêu sách bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ năm 2016, tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết.
Poling cho rằng cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông với Việt Nam và Malaysia cũng như Philippines cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách "bắt nạt" các nước láng giềng có tiềm lực kinh tế, quân sự nhỏ hơn mình. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ tìm cách thận trọng để các tính toán của họ không vượt tầm kiểm soát và biến thành xung đột.
"Trung Quốc chỉ định ngăn cản các hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông bằng hành động bắt nạt và đe dọa chứ không phải vũ lực", Poling nói, giải thích rằng Bắc Kinh vẫn quan tâm đến hình ảnh của mình trên trường quốc tế. "Nếu sử dụng vũ lực, họ sẽ bị coi là kẻ gây hấn, ảnh hưởng đến mong muốn của họ là đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu", ông nói.
Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại Chương trình An ninh Biển thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cũng có chung quan điểm khi cho rằng Trung Quốc đã tính toán lợi ích khi tránh leo thang tình hình quá mức.
"Bắc Kinh từ lâu tìm cách thuyết phục dư luận quốc tế rằng mọi thứ ở Biển Đông vẫn ổn và các bên liên quan đều có thể quản lý tranh chấp của mình", Koh nói. "Đó là lý do Trung Quốc thúc đẩy các cuộc đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, nhằm chứng minh cho lập luận này".
Các chuyên gia của tổ chức tư vấn quốc tế Stratfor cho rằng cả Bắc Kinh và Hà Nội đều không muốn quan hệ song phương bị ảnh hưởng bởi sự việc, nhưng nếu Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cơ hội hạ nhiệt tình hình sẽ ngày càng thấp hơn.
Poling nhận định khi các quốc gia ven Biển Đông đứng lên chống lại hành vi bắt nạt của Trung Quốc và tiếp tục các hoạt động thương mại bình thường, Bắc Kinh rốt cuộc sẽ phải "rút lui và thử lại vào một lúc khác". Trên thực tế, hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở cụm bãi cạn Luconia vẫn được duy trì sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối.
Tàu hộ vệ Malaysia hôm 1/7 và 18/7 cũng tiến hành các cuộc diễn tập phóng tên lửa trên Biển Đông. Kuala Lumpua khẳng định các cuộc diễn tập này được lên kế hoạch từ trước và không nhằm vào ai, nhưng giới quan sát cho rằng động thái này phần nào thể hiện quyết tâm của Malaysia trong việc bảo vệ lợi ích của mình trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu khẳng định các cuộc diễn tập đóng vai trò như sự trấn an cộng đồng hàng hải rằng Malaysia "sẵn sàng bảo vệ hòa bình và lợi ích ở Biển Đông".
Parameswaran cho rằng các căng thẳng trên Biển Đông hiện nay sẽ khó leo thang thành xung đột, nhưng cảnh báo đây sẽ không phải là "điều tự nhiên mà có", đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn tiếp tục hành vi "bắt nạt" của mình.
"Thách thức của các quốc gia trong khu vực trong tương lai sẽ là đối phó thế nào với thực tế rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục hành vi bắt nạt láng giềng để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và thường sử dụng toàn bộ năng lực kinh tế, quân sự để làm điều đó", Parameswaran viết.
Phương Vũ (Theo Inquirer/Diplomat)